Yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng

Ngày 05/4/2016, Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng. Theo điều 33 của Nghị định, việc quản lý chất lượng vật liệu xây dựng kim loại và vật liệu xây dựng không có nguồn gốc từ khoáng sản có các yêu cầu như sau:
  1. Đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đưa ra thị trường phải đáp ứng các yêu cầu: 
  • Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải đạt tiêu chuẩn đã công bố.
  • Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật thì phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
  • Những sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn cơ sở; khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm tiêu chuẩn cơ sở.
  • Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng yêu cầu có nhãn hàng hóa thì nhãn hàng hóa phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
  • Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đã được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về dấu hợp quy và sử dụng dấu hợp quy.
  1. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng; sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
  2. Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng khi sử dụng vào công trình xây dựng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tuân thủ thiết kế.
Bên cạnh các yêu cầu về chất lượng sản phẩm thì một trong những điểm nổi bật của Nghị định là nội dung về chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Trong đó, đã quy định các chính sách chung về phát triển loại vật liệu này; quy định các dự án được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước, các ưu đãi hỗ trợ cụ thể đối với từng loại dự án. Đây là nội dung hoàn toàn mới, trên cơ sở làm rõ các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Nội dung này thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới trong việc phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới