Việt Nam là một nước xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 6 trên thế giới. Các sản phẩm đồ gỗ nội thất được xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch hàng năm lên tới 7 tỷ USD. Tuy vậy hiện nay vẫn có rất ít các doanh nghiệp có đầy đủ hiêu biết về các tiêu chuẩn an toàn cơ học và các hoá chất được phép sử dụng trong sản phẩm.
Là một quốc gia có nhiều làng nghề gỗ truyền thống đã phát triển thành những công ty, xí nghiệp chế biến gỗ, các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã được bán đi nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên để sản phẩm đồ gỗ Việt Nam có thể xâm nhập vào các thị trường quốc tế khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… việc tuân thủ những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Có thể nói rằng hiện nay vẫn có rất ít những doanh nghiệp có những hiểu biết rõ ràng về vấn đề này.
Để đánh giá về chất lượng đồ gỗ cần phải quan tâm theo 3 phương diện đó là:
- Chất lượng cơ học và mẫu mã của sản phẩm: Hầu hết những đơn vị chế biến gỗ mới chỉ tập trung quan tâm trên phương diện này.
- Tác động của những hoá chất sử dụng trong quá trình chế biến: Chi phí để kiểm tra hàm lượng khí thải của các sản phẩm đồ gỗ quá cao cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà. Đây là lý do mà các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ mới cạnh tranh được về giá với các sản phẩm cấp thấp mà chưa thể nâng cao về giá trị gia tăng.
- Trách nhiệm xã hội và môi trường: Nguồn gốc của gỗ hay sự an toàn lao động đều được đánh giá và phải tuân thủ theo đúng pháp luật của nhà nước.
Phân tích kỹ hơn về tác động của những hoá chất sử dụng trong quá trình chế biến đến sức khoẻ của người sử dụng. Tác nhân ảnh hưởng chủ yếu là formaldehyde có trong keo UF và hàm lượng chì trong dầu màu trang sức bề mặt sản phẩm. Khi tiếp xúc với formaldehyde có thể gây dị ứng da, cay mắt, mũi và họng, tiếp xúc ở mức độ cao có thể gây ra một số dạng ung thư. Chính vì vậy ở rất nhiều thị trường, các đồ gỗ bắt buộc phải đạt các chỉ tiêu về an toàn, môi trường do nước sở tại quy định. Các nhà chế tạo sản phẩm đều phải tuân thủ, có sự đánh giá, chứng nhận của bên thứ ba.
Thế nhưng, hiện ở nước ta, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm từ gỗ chưa phải là bắt buộc hoặc còn nhiều thiếu sót hay chưa được ban hành dẫn đến ảnh hưởng tới vấn đề kiểm tra chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, chắc chắn các doanh nghiệp chế biến gỗ và các cơ quan chức năng cần phải quan tâm nhiều hơn tới những tiêu chuẩn về sức khoẻ và môi trường.
Văn phòng NSCL tổng hợp