Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi thuỷ sản An Giang áp dụng TPM để cải thiện hiệu suất thiết bị

Xí nghiệp Thức ăn Chăn nuôi Thuỷ sản An Giang là đơn vị có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Năm 2019, Xí nghiệp đã tham gia chương trình áp dụng Lean của Chính phủ với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn đến từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3).

Sau khi thực hiện khảo sát, các chuyên gia tư vấn đã phát hiện ra một số vấn đề đang tồn tại, gây ảnh hưởng tới hiệu suất công việc và chất lượng sản phẩm, bao gồm: Máy móc thiết bị hầu hết đều dơ bẩn, nhiều lỗi nhỏ chưa được khắc phục như rò rỉ, mất các chi tiết nhỏ, không an toàn. Chưa thống kê dữ liệu về thời gian sửa chữa nên không có cơ sở phân tích, đánh giá và cải tiến hiệu quả bảo trì máy móc thiết bị. Phụ tùng thay thế chưa đáp ứng đúng và kịp thời dẫn đến kéo dài thời gian dừng máy để xử lý sự cố, làm ảnh hưởng đến năng suất dây chuyền; Chưa có dữ liệu để đánh giá, phân tích và cải tiến hiệu suất thiết bị.

Để giải quyết các vấn đề trên, chuyên gia tư vấn đã đề xuất Xí nghiệp áp dụng công cụ Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM).

Trước tiên, Xí nghiệp thành lập nhóm TPM với các thành viên đến từ các bộ phận kỹ thuật, sản xuất, kiểm soát chất lượng, bảo trì của Xí nghiệp. Nhóm được đào tạo kiến thức về TPM.

Tiếp theo, Xí nghiệp thực hiện thống kê dữ liệu để tính toán chỉ số OEE, chỉ số đánh giá hiệu quả tổng thể của thiết bị. Kết quả đo lường cho thấy, chỉ số hiệu suất tốc độ và chất lượng là ổn định; riêng hệ số sẵn sàng đang ở mức thấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu suất tổng thể của thiết bị; Một số giải pháp cải tiến được tập trung thực hiện là: Giảm thời gian chuyển đổi sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn tồn kho phụ tùng thay thế; sắp xếp và chuẩn bị công cụ dụng cụ hợp lý; kiểm tra máy móc thiết bị 2 ngày/lần. Bên cạnh đó, việc xây dựng hoạt động bảo trì tự quản (AM) để người vận hành chia sẻ trách nhiệm chăm sóc thiết bị với người bảo trì cũng được Xí nghiệp rất quan tâm.

Kết quả đạt được sau áp dụng TPM:

Nhiều sự cố nhỏ từ máy móc thiết bị đã được khắc phục, thiết bị đã được phục hồi về điều kiện ban đầu; Thiết bị luôn được chăm sóc nhờ sự phân công trách nhiệm rõ ràng: Làm gì? Ai làm? Khi nào làm? Làm như thế nào? Ai kiểm tra việc thực hiện? Sự phối hợp trong chăm sóc thiết bị giữa công nhân vận hành và công nhân bảo trì nhịp nhàng hơn; Hiểu biết và kỹ năng xử lý sự cố nhỏ của công nhân vận hành được nâng cao. Kết quả là sau 3 tháng áp dụng TPM, hiệu suất thiết bị toàn phần OEE đã tăng 6%.

Văn phòng NSCL

Tin mới