Xu hướng ngành công nghiệp sản xuất xi măng hiện nay ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung cho thấy, khi mà những bí quyết công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm không còn là lợi thế của mỗi công ty (vì hầu hết đều sử dụng công nghệ hiện đại) thì công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chìa khóa để thành công.
Với đặc thù là ngành công nghiệp nặng kết hợp với một số ngành nghề dịch vụ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ vừa phải có trình độ chuyên môn giỏi, sâu, vừa có năng lực điều hành nên công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ có vai trò rất quan trọng. Nhận thức được vai trò quan trọng ấy, tất cả các đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đều đã và đang tập trung đào tạo nguồn cán bộ, công nhân kỹ thuật chất lượng cao. Xi măng VICEM đã xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đổi mới về tổ chức bộ máy, định biên, áp dụng các kỹ năng quản trị mới…
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, gần 19.000 cán bộ, công nhân viên sản xuất kinh doanh ở Nhà máy xi măng VICEM trên khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam đã cùng nhau sản xuất, tiêu thụ 103,019 triệu tấn sản phẩm (xi măng + clinker); doanh thu đạt 153.250 tỷ đồng bằng 101,15% kế hoạch; vốn chủ sở hữu là 14.935 tỷ đồng bằng 100,13%; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 4,39% bằng 104,52%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.221 tỷ đồng bằng 108,72%, nộp ngân sách 5.221 tỷ đồng (bình quân nộp 1.044 tỷ/năm).
Việc làm, thu nhập của người lao động ổn định với mức thu nhập bình quân đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,1% so với mục tiêu nhiệm kỳ, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2015, tổng công ty có lợi nhuận trước thuế đạt 1.347 tỷ đồng bằng 534,5% so với cùng kỳ năm 2014, dự kiến cả năm 2015 lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 2.000 tỷ đồng…
Để có được kết quả ấy, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải, VICEM luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề cốt lõi của thành công. Đảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo xây dựng quy chế quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ trong toàn VICEM. Từ đó, chỉ đạo tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản trị đối với lãnh đạo cấp cao, cán bộ quản lý cấp trung, đào tạo cán bộ tiềm năng, đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động nhằm bổ sung kiến thức đáp ứng yêu cầu công việc với nhiều hình thức khác nhau.
Đơn vị tiên phong có đội ngũ cán bộ, kỹ thuật mạnh của VICEM là VICEM Hoàng Thạch. Đại diện lãnh đạo Xi măng VICEM Hoàng Thạch cho biết: mục tiêu mà Phòng Kỹ thuật sản xuất của VICEM Hoàng Thạch hướng tới là xây dựng tập thể có phong trào nghiên cứu khoa học tích cực, chủ động, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ tri thức, làm việc độc lập, tư duy sáng tạo, biết cộng tác hòa nhập với mọi người và đạt hiệu quả cao trong công việc.
Một trong những cái nôi đào tạo, nâng cao tay nghề cho các cán bộ, kỹ thuật, công nhân VICEM là Viện Công nghệ Xi măng VICEM (sáp nhập Trung tâm Đào tạo Xi măng và trường Trung cấp Nghề kỹ thuật Xi măng). Mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật dành cho nghiên cứu khoa học cũng như các thiết bị, công cụ giảng dạy còn nghèo nàn, lạc hậu, công tác tuyển sinh đào tạo công nhân kỹ thuật ngành xi măng gặp nhiều khó khăn do ít người tham gia học… nhưng Viện Công nghệ Xi măng VICEM đang nỗ lực hết sức để hoàn thành trọng trách được giao.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Viện Công nghệ Xi măng VICEM, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hàng năm, Viện xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho từng khóa đào tạo ngay từ đầu năm, quyết liệt triển khai đúng kế hoạch, đồng thời phối hợp với những đối tác có thương hiệu trên thế giới trong lĩnh vực xi măng như FLSmitdh, ABB và các tổ chức đào tạo uy tín khác trên thế giới tới Việt Nam đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ, công nhân trong VICEM.
Thống kê của Viện cho thấy, trong 3 năm (từ năm 2013 đến nay), Viện Công nghệ Xi măng VICEM đã tổ chức được 85 khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Viện cho 3.130 lượt người; tuyển sinh đào tạo tại trường Trung cấp Nghề kỹ thuật Xi măng hơn 2.900 lượt học viên, huấn luyện vệ sinh lao động và an toàn lao động cho 1.558 lượt người.
Để đưa thực tiễn sản xuất vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, Viện cũng đã mời các giảng viên kiêm nhiệm đang công tác tại các cty sản xuất Xi măng VICEM như cán bộ của VICEM Hoàng Thạch, VICEM Bút Sơn… tới chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao tính thực tiễn trong đào tạo được học viên đánh giá cao, giúp học viên ứng dụng thực tế trong công việc. Viện cũng thường xuyên bám sát nhu cầu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các công ty xi măng để tư vấn, đề xuất các chương trình đào tạo kịp thời, phù hợp.
Có thể nói, ít thấy ở đơn vị sản xuất nào có nhiều phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như VICEM. Không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất mà phong trào này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể, từ 2010 – 2014, toàn Tổng công ty đã có 3.433 sáng kiến, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, được áp dụng làm lợi trên 345 tỷ đồng, 86 đề tài khoa học được triển khai cùng với phong trào tiết kiệm tập trung vào giảm các định mức tiêu hao than, điện, dầu, chi phí lưu thông hàng hóa… đã làm lợi trên 539 tỷ đồng.
Toàn VICEM đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng, dịch vụ, nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác đào tạo trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Tuyết Trinh