Xây dựng doanh nghiệp bền vững bằng 03 bộ công cụ quản trị của iEIT

Nhằm thực hiện chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế – Trường Đại học Ngoại Thương đã xây dựng 3 bộ công cụ và phần mềm quản trị dựa trên các phương pháp BSC&KPI và 3Ps.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” do Bộ Công Thương chủ trì, nhóm nghiên cứu từ Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Viện iEIT) – ĐH Ngoại thương đã được giao thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và hỗ trợ áp dụng bộ công cụ và phần mềm chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, quản trị mục tiêu và trả lương qua hiệu quả/giá trị đóng góp theo phương pháp BSC&KPI và 3Ps cho các doanh nghiệp ngành công thương” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Năng lực quản trị của doanh nghiệp được coi là yếu tố hàng đầu quyết định một doanh nghiệp thịnh hay suy. Tuy nhiên, điều này tại Việt Nam vẫn còn bị xem nhẹ. Theo kết quả đánh giá quản trị công ty do trang thông tin Tạp chí tài chính của Bộ tài chính đăng tải vào năm 2018, điểm quản trị trung bình ở Việt Nam chỉ đạt 41,3 điểm so với điểm trung bình trong toàn khu vực ASEAN là 71,01 điểm. Như vậy, có thể thấy mức điểm trung bình về khả năng quản trị doanh nghiệp nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong cùng khu vực ASEAN. Nhận thức được tầm quan trọng này, nhiệm vụ của Viện iEIT tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương nâng cao trình độ quản lý thông qua việc chẩn đoán sức khoẻ, xây dựng chiến lược, quản trị mục tiêu và trả lương qua hiệu quả/giá trị đóng góp theo các phương pháp quản trị hiện đại với sự hỗ trợ của bộ công cụ và phần mềm triển khai. Điểm đặc biệt lần này là sự hỗ trợ sẽ được cụ thể hóa thông qua việc ứng dụng các phần mềm và công cụ hướng dẫn vừa trực tuyến và ngoại tuyến.

BSC (Balanced Scorecard) là một hệ thống được phát triển bởi hai Giáo sư Kaplan&Norton của trường Đại học Harvard. BSC sẽ bao quát 4 khía cạnh chủ chốt là tài chính, quy trình, khách hàng, năng lực và 2 khía cạnh bổ sung là thỏa mãn nhân viên, môi trường và cộng đồng. Hệ thống quản trị này được coi là bước tiến quan trọng trong việc quản lý các hoạt động tại doanh nghiệp, chứ không chỉ còn tập trung vào một mặt tài chính như trước đây.

KPI là chỉ số hoạt động chính đánh giá thực hiện công việc hay còn gọi là các chỉ số cốt yếu đánh giá hiệu suất công việc/các chỉ số trọng yếu đo lường hiệu quả hoạt động hoặc cũng có thể gọi là các chỉ số trọng yếu đánh giá hiệu quả hoạt động tổng thể hoặc một hoạt động cụ thể nào đó. KPI là một trong những công cụ hữu hiệu giúp nhà quản trị đánh giá hiệu quả hoạt động, phục vụ cho việc ra quyết định và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho tổ chức hoặc doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hệ thống trả lương theo KPI mới chỉ đề cập đến 1 yếu tố duy nhất trong đánh giá và đãi ngộ mà bỏ qua các vấn đề khác trong quản trị nhân sự như yếu tố con người, vị trí đảm nhận. Chính vì vậy, S. K. Bhatia (2003), đã đề xuất mô hình đãi ngộ và trả lương mới phù hợp hơn với các yếu tố quản trị. Dưới góc độ tư vấn triển khai, các chuyên gia tư vấn quản lý của HAY Group cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự và tiền lương đã hình thành hệ thống lương 3Ps dựa vào 03 yếu tố chính: Position (P1) – vị trí công việc, Person (P2) – Con người và Performance (P3)– Mức độ hoàn thành công việc đã và đang được áp dụng khá hiệu quả tại các tổ chức và doanh nghiệp khác nhau trên toàn cầu.

Để hiện thực hóa những lý thuyết trên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 03 bộ công cụ tác nghiệp để doanh nghiệp áp dụng trong quá trình quản lý. Ba bộ công cụ gồm: Bộ công cụ chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp, Bộ công cụ hỗ trợ hoạch định chiến lược và quản trị mục tiêu theo phương pháp BSC&KPI, Bộ công cụ hỗ trợ xây dựng hệ thống trả lương qua hiệu quả và giá trị đóng góp theo phương pháp 3Ps. Đây được xem là những trợ thủ đắc lực trong quá trình định hướng quản trị tại một doanh nghiệp. Thực tế triển khai tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã cho thấy hiệu quả của việc áp dụng bộ công cụ trên. Đồng thời, để việc áp dụng có thể dễ dàng tiếp cận mọi doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu cũng đã thiết kế bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng các công cụ tương ứng.

Song song với bộ công cụ là kim chỉ nam cho hoạt động quản lý, viện iEIT cũng thiết kế ra những phần mềm thuận tiện sử dụng, tương ứng cho từng chức năng. Trong đó có phần mềm chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp đang được các doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình và hiệu quả. Hội thảo “Ra mắt phần mềm Chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam của iEIT” được tổ chức vào cuối năm 2019 cũng đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng quan tâm đến lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phần mềm hỗ trợ hoạch định chiến lược và quản trị mục tiêu bằng phương pháp BSC&KPI và Phần mềm hỗ trợ xây dựng hệ thống trả lương qua hiệu quả và giá trị đóng góp theo phương pháp 3Ps đang trong quá trình triển khai, dự kiến sẽ sớm được đưa vào áp dụng cho các doanh nghiệp từ tháng 03 năm 2020.

Giao diện trang chủ của phần mềm chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp – Viện iEIT

Ngoài ra, Viện iEIT cũng sẽ tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng ba bộ công cụ trên tại các doanh nghiệp trên toàn quốc và thiết kế riêng các giải pháp quản trị tại 15 đơn vị. Như vậy, có thể thấy việc xây dựng và áp dụng bộ công cụ và phần mềm chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, quản trị mục tiêu và trả lương qua hiệu quả/(giá trị) đóng góp theo phương pháp BSC&KPI và 3Ps là một nhiệm vụ cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp ngành công thương trong thời đại hội nhập hiện nay. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế trong quá trình nghiên cứu và phát triển chất lượng doanh nghiệp cũng như sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp.

Hội thảo “Ra mắt phần mềm Chẩn đoán sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam của iEIT” đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng quan tâm đến lĩnh vực quản trị doanh nghiệp.

Hiện nay, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế đang triển khai nhận đăng ký đợt 1 cho các Doanh nghiệp có nguyện vọng tham dự chương trình. Mọi chi tiết về cách thức đăng ký, các ưu đãi và lợi ích khi tham gia chương trình vui lòng xem tại website: http://ieit.edu.vn/detaibct hoặc hotline 0909.111.485 (nhánh 4).

Nguồn: Vụ KH&CN

Tin mới