Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017; định hình giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017 và dài hạn.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, VPI đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nâng cao chất lượng các đề tài/nhiệm vụ, lấy nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm. Nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của VPI trong thời gian tới theo mô hình “tổ chức khoa học công nghệ công lập” quy định tại Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016, với mức độ tự chủ “tự bảo đảm chi thường xuyên”; tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn, phát triển sản phẩm thương mại; tập trung đào tạo chuyên sâu, phát triển chuyên gia, ưu tiên đào tạo theo các định hướng nghiên cứu dài hạn.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, VPI đã ký mới 87 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; đọc thẩm định, nhận xét 9 báo cáo (RAR, ODP, FDP); đẩy mạnh công tác đăng ký bản quyền, sáng chế, giải pháp hữu ích, gia tăng số lượng bài báo đăng tải trong nước và quốc tế… VPI đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho quy trình sản xuất methanol từ hỗn hợp hydro/carbonic bằng lò phản ứng dạng màng; chấp nhận 2 Đơn hợp lệ cho chế phẩm tẩy cặn hydrocarbon trong đường ống dẫn dầu (hệ chất hoạt động bề mặt phân hủy sinh học và hệ dung môi phân hủy sinh học) được Bộ Công Thương bổ sung chế phẩm hóa học tăng cường thu hồi dầu VPI-SURF vào danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được…
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Anh Đức- Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam- nhấn mạnh, mục tiêu chính của VPI là tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ, cụ thể là cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ hiệu quả cho khách hàng; xây dựng đội ngũ chuyên gia (trong các lĩnh vực: tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, kinh tế quản lý dầu khí); cơ sở dữ liệu dầu khí; các giải pháp công nghệ thông tin; cung cấp hóa chất, phụ gia, hóa phẩm.
Trên cơ sở đó, VPI đã và đang tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ: Tăng cường quảng bá năng lực/kinh nghiệm; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: xây dựng khung nhân sự, thuê chuyên gia, đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên sâu, tinh giảm bộ phận lao động gián tiếp; Hoàn thiện hệ thống quản trị; Quản trị tri thức: cơ sở dữ liệu dầu khí của từng lĩnh vực, quy trình/phần mềm, kết nối các nhà khoa học dầu khí.
Đặc biệt, VPI đang tập trung nguồn lực thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn: tiềm năng dầu khí phi truyền thống, tăng cường thu hồi dầu (EOR), xử lý và chế biến khí có hàm lượng CO
2 cao, quản trị rủi ro; sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ: chống ăn mòn, hóa chất dầu khí, giải pháp công nghệ thông tin.
Nguồn: baocongthuong.com.vn