Vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Mặc dù đã nhận ra được mức độ quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ, tuy nhiên ngành vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng. Hầu hết ngành vẫn gồm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ và năng suất chưa cao,  chưa “chen chân” được vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài. Câu chuyện Công ty Canon Việt Nam nhập khẩu từ băng dính, băng keo để đóng hộp cho thấy đây thực sự là một thực tế buồn cho các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Số liệu của Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công Thương cho thấy, với 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước tham gia được sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ôtô… lại bỏ ngỏ. Thêm nữa, dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn làm doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng. Khó khăn chung đối với ngành đó là phần lớn đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút vốn đầu tư khó khăn, nguồn vốn vẫn chủ yếu từ ngân hàng thông qua các ngân hàng thương mại. Một ví dụ khác là ngành công nghiệp sản xuất ô tô hiện nay đang là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Dù đã đặt ra mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa đến năm 2020 là 60-70%, chỉ còn vài năm nữa là đến mốc năm 2020 nhưng tỉ lệ nội địa hóa hiện nay vẫn chỉ đạt 25-30%. Với rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, họ rất muốn đầu tư sản xuất cung ứng linh kiện cho Toyota hay Ford nhưng khó khăn vẫn là đầu tư công nghệ và vốn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp khi đã tiếp cận được vốn còn phải vật lộn sống sót với mức lãi ngân hàng có khi tới 24%/năm. Ngoài ra, các chính sách về thuế đất đai, mặt bằng thuận lợi cũng chưa có sự bình đẳng với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó đủ cho thấy, chính sách hỗ trợ về tín dụng và thuế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hộ trợ vẫn chưa tới. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 01/2016/TT-NHNN hướng dẫn cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, đối tượng được vay vốn là các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp được ưu tiên hỗ trợ phát triển. Điểm mừng với các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được xem xét vay tối đã 70% vốn đầu tư đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển với chính sách ưu đãi. Tổ chức bảo lãnh cho doanh nghiệp là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức khác được phép thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, với Thông tư mới này, các doanh nghiệp sẽ sớm giải quyết được phần nào khó khăn về vốn để tập trung vào đầu tư công nghệ mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất, sớm có thể đứng vững và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp trọng điểm trong nước.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới