VME 2018: Tiếp cận sản xuất thông minh từ góc nhìn công nghệ

Ngày 8/8 tại Hà Nội, Công ty Reed Tradex đã khai mạc buổi triển lãm Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2018 với chủ đề “Đẩy mạnh tăng trưởng ngành sản xuất Việt Nam với khái niệm mới về nhà máy thông minh” nhằm giới thiệu các giải pháp kĩ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại hiện đang mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho nhiều nhà sản xuất trên thế giới.

Theo ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex, hiện có 76% các nhà sản xuất công nghiệp đang tiến hành xây dựng hoặc bắt đầu đầu tư chuyển đổi thành nhà máy thông minh, tuy nhiên chỉ 14% trong số đó hài lòng với kết quả đạt được. Việc chuyển đổi sang nhà máy thông minh không chỉ đơn thuần là đổi mới công nghệ mà còn là tái cơ cấu toàn bộ hệ thống quản lý. Do đó, các nhà sản xuất cần hiểu rõ đâu là mục tiêu mà tổ chức của mình hướng tới trước khi áp dụng nhà máy thông minh.

Mỗi nhà máy thông minh đều được tích hợp nhiều loại công nghệ hiện đại, trong đó một điển hình là “robot hợp tác” (cobots). Robot hợp tác được thiết kế để cộng tác với con người. Ngoài khả năng sẵn có trong việc tương thích với ngành công nghiệp 4.0, robot hợp tác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép các công ty vừa và nhỏ, với tiềm lực kinh tế chưa cao, có thể bắt đầu áp dụng tự động hoá quy trình sản xuất.

Những robot này rất linh hoạt, dễ lập trình, nhỏ, nhẹ và giá cả không quá cao, dễ dàng được áp dụng, triển khai từng phần tại các doanh nghiệp SMEs, cũng như các nhà máy sản xuất cũ, hiện chưa đủ khả năng để đồng bộ hoá hệ thống robot công nghiệp tự động hoá. Ông Wilanan cũng lấy ví dụ về một nhà máy ở TP. Đông Hoản (Trung Quốc) đã tăng tới 250% năng suất và giảm 80% lỗi trong quá trình sản xuất sau khi sử dụng robot vào dây chuyền sản xuất; từ đó đem lại hiệu quả cao hơn cũng như hạn chế thời gian ngưng sản xuất.

Một ví dụ khác đó là công nghệ in 3D hay còn gọi là Công nghệ sản xuất đắp dần (AM). Đây là loại công nghệ được tạo ra với mục tiêu ban đầu để tạo ra nguyên mẫu hình ảnh & nguyên mẫu chức năng, sao chép không ngừng các bộ phận đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Công nghệ in 3D đã phát triển đạt giá trị 6,063 tỷ USD, tăng 17.4% tổng doanh thu toàn cầu vào năm 2016, đồng thời mở rộng ứng dụng vào nhiều ngành công nghiệp. Với tiềm năng sẵn có về mặt tùy biến và hạn chế tối đa hàng tồn kho, in 3D được xem là một yếu tố chủ chốt để hướng đến Công nghiệp 4.0.

Bên cạnh hoạt động trình diễn kĩ thuật và giới thiệu về các công nghệ mới, khách mời của Vietnam Manufacturing Expo 2018 còn được trao đổi và lắng nghe về kinh nghiệm sản xuất thông minh từ các chuyên gia trong lĩnh vực này. “Cuộc thi hàn” cũng được tổ chức như một hoạt động giao lưu của các kĩ sư trẻ nước ta với bạn bè quốc tế cùng tham gia buổi triển lãm.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới