VITAS: Hội thảo về một số giải pháp công nghệ trong ngành may mặc

Ngày 03/08/2017 tại TP. HCM, Tập đoàn Threadsol – Singapore phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức hội thảo về áp dụng công nghệ trong ngành may mặc. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi về Cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0), những nguy cơ và giải pháp đối với ngành dệt may, về thời trang Zero Waste và một số giải pháp tự động hóa, tiết kiệm nguyên liệu và nâng cao năng suất chất lượng của ngành dệt may nước ta. Nói về CN 4.0, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS cho rằng, CN 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất (SX) dệt may cũng khác nhau. Dệt may VN sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuyển dần SX quay lại các nước như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… 4 thị trường chính, có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch XK hàng may mặc của VN. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ là bước tiến quan trong giúp doanh nghiệp đối mặt với các thay đổi do CN 4.0 đem lại. Trong buổi hội thảo, bà Mai cũng đã chia sẻ: Trước hết, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền SX, nâng cao trình độ  kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng; chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ, chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa. Tại hội thảo, bà Phương Anh – đại điện Viện Mẫu Thời trang đã giới thiệu về thời trang Zero Waste. Trong ngành dệt may thời trang, Zero Waste có nghĩa là thiết kế, sản xuất, kiểm soát và quản lý các sản phẩm may mặc sao cho tránh lãng phí, dư thừa và vứt bỏ nguyên vật liệu. Đây là một giải pháp nhằm loại bỏ hàm lượng và độc tính từ rác thải của ngành công nghiệp may mặc đối với đất, nước, không khí… Trong ngành may mặc, từ 10% đến 30% vải sản xuất trở thành vải vụn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Sự ra đời của Zero Waste không chỉ giải quyết những vấn đề môi trường kể trên mà còn tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ông Saurav Ujjain, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Threadsol – Singapore cũng đã chia sẻ về một số giải pháp công nghệ: Threadsol đã tiết kiệm tới 10% chi phí vải nguyên liệu bằng cách sử dụng các phần mềm. Một số ứng dụng tiêu biểu của Threadsol là: Intellocut, Intellobuy, IntelloTrace. IntelloCut là dịch vụ tự động hóa, tiết kiệm được 10% vật liệu ở mức sản xuất, do đó giảm thiểu mức lãng phí và tận dụng tối đa. IntelloBuy đưa ra một phương pháp định lượng chính xác để đảm bảo số vải cần thiết cho một số lượng hàng may mặc nhất định. Giải pháp này ước lượng chính xác vật liệu, giúp tiết kiệm được 10% chi phí vật liệu ở giai đoạn mua hàng, giảm khối lượng công việc và tiết kiệm được hàng triệu đô la chi phí vật liệu trong thời gian dài. Ngoài ra, intelloTrace cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. Đó là một bộ phần mềm trực tuyến có thể được truy cập thông qua một trình duyệt web hoặc điện thoại di động, lưu trữ tại điện toán đám mây. Điều này giúp các doanh nghiệp cắt giảm tối đa sự lãng phí, tăng năng suất và cải thiện độ chính xác cho việc sử dụng nguyên liệu. Ông Saurav Ujjain kỳ vọng, công nghệ mới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ngành may, mang lại lợi nhuận to lớn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam đứng vững và phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay. Được biết Threadsol đã cung cấp giải pháp này cho cả các nhà máy thời trang của FGL tại Tân Phú, Biên Hòa và Xuân Tây từ gần 1 năm nay. Mới đây, Threadsol đã triển khai sản xuất máy may Ocean Sky Apparel (Tây Ninh, Việt Nam) cho GAP và OLD NAVY. Threadsol cũng cung cấp giải pháp tiết kiệm cho Saitex (khu công nghiệp Amata, Biên Hòa) –  một nhà sản xuất hàng cho PUMA, G-STAR, CK và TRUE RELIGION.  

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới