Vĩnh Phúc: Người công nhân mẫn cán hiện thực đam mê sáng chế

Với thâm niên hơn 10 năm làm việc, anh Phạm Chí Chung đã không ngừng sáng tạo, nghiên cứu cũng như phối hợp với các đồng nghiệp thực hiện hàng chục đề tài, sáng kiến giá trị làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng.

Cha đẻ của hàng chục sáng chế, sáng kiến

Tốt nghiệp đại học Công nghiệp Thái Nguyên, anh Phạm Chí Chung bắt đầu sự nghiệp đam mê của mình ở bộ phận kỹ thuật tại một công ty chuyên sản xuất gạch ốp lát, đóng trên địa bàn phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Đây cũng là ngôi nhà thứ hai, chắp cánh cho niềm đam mê với nghề cơ khí, biến ước mơ thành hiện thực trên con đường sự nghiệp của anh.

Với hoạt động sản xuất đặc thù, chi phí xưởng và chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng lớn, ban lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến việc tiết kiệm nhiên liệu, điện năng tiêu thụ. Trước thực trạng đó, anh Chung cũng như tất cả anh em đồng nghiệp đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra các phương án hiệu quả, sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, chi phí thấp hơn.

Không chỉ khắc phục những mặt hạn chế của dây chuyền sản xuất, những sáng kiến của anh và đồng nghiệp còn mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu chất thải độc hại ra môi trường.

Rồi anh được lãnh đạo công ty tín nhiệm giao cho làm Tổ trưởng tổ Bảo dưỡng cơ điện. Trong công việc, anh không những có trách nhiệm mà còn là người có tâm. Một trong những sáng kiến tiêu biểu của anh là: “Thiết kế mới đường cua gạch máy ép số 3”. Đề tài này là 1 trong 34 công trình, sản phẩm sáng tạo được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, khen thưởng tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ IX năm 2016.

Được biết, doanh nghiệp nơi anh Chung công tác có 6 dây chuyền sản xuất gạch ốp, trong đó có một dây chuyền sản xuất gạch ốp chân tường với kích thước lớn 400×900 (mm) và 500×900 (mm). Với kích thước lớn như vậy nên mỗi lần chỉ đưa được hai viên gạch vào nung theo hướng nằm ngang. Cách sản xuất này vừa làm hao tổn chi phí nhiên liệu đốt, vừa lãng phí điện năng tiêu thụ. Trăn trở vì dây chuyền có nhiều hạn chế, anh Chung đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để tìm ra giải pháp khắc phục.

Cuối cùng, anh đã cho ra đời “Thiết kế đường cua gạch số 3” với phương thức hoạt động mới mẻ, xoay viên gạch từ chiều ngang sang chiều dọc. Với thiết kế mới, số gạch đưa vào nung đã tăng lên 5 viên/lần, đồng thời nâng sản lượng từ 5.400m2/ngày lên 6.000m2/ngày (tức tăng 11% sản lượng/ngày), làm lợi cho công ty lên tới 1,4 tỷ đồng một năm. Do đó, sáng kiến này nhanh chóng được lãnh đạo công ty nhân rộng và áp dụng vào thực tế sản xuất.

Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, tiết giảm năng lượng, nâng cao năng suất, sáng kiến của anh Phạm Chí Chung còn giúp người công nhân giảm bớt nặng nhọc trong công việc; bình quân thu nhập của người lao động cũng tăng đạt mức 8 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu/người/năm so với năm 2014).

Nỗ lực không ngừng

Ngoài sáng kiến tiêu biểu có giá trị kể trên, gần đây nhất, anh Phạm Chí Chung còn phối hợp cùng đồng nghiệp tham gia thiết kế mới hệ thống ống gas cấp cho lò nung xương và lò nung men của công ty. Như đã biết, trong ngành sản xuất gạch Ceramic, lò nung đóng vai trò đặc biệt quan trọng với hoạt động của nhà máy, do vậy việc tiêu chuẩn hóa và cải tiến lò nung, đặc biệt là hệ thống đường ống cấp khí gas là đòi hỏi tất yếu.

Tuy nhiên qua quá trình theo dõi sản xuất, anh Chung nhận thấy hệ thống ống cấp gas nhỏ, cồng kềnh theo phương thức cũ bộc lộ rất nhiều hạn chế. Đó là đường ống gấp khúc nhiều làm tăng trở lực dòng khí, gây tổn thất áp suất trên đường ống. Kéo theo đó, phải tăng công suất quạt đẩy khí và tăng áp dòng khí dẫn đến bụi lò và hạ loại sản phẩm; đồng thời làm tăng chi phí điện. Việc cấp khí không đủ lưu lượng cho lò nung xương sẽ không nâng được nhiệt độ nung xương lên 1.0500C. Do vậy, sản phẩm ra sẽ hạ loại bởi lỗi châm kim nhiều.

Để khắc phục các khiếm khuyết nêu trên, anh Chung đã mạnh dạn đưa ra phương án cải tiến thay đổi thiết kế. Phương án của anh có nhiều ưu điểm: Trở lực của đường ống giảm. Hệ thống ống gọn gàng và ít bị gấp khúc. Quạt tăng áp chạy non tải hơn. Áp lực dòng khí giảm đồng nghĩa với việc hàm lượng bụi trong không khí than ít hơn. Mặt khác, với hệ thống này sẽ giúp tăng nhiệt độ lò nung lên 1.0500C một cách dễ dàng so với trước kia chỉ tăng tối đa được đến 9800C. Giảm đáng kể tỉ lệ hạ loại do lỗi bụi lò và châm kim.

Ưu điểm lớn nhất của sáng kiến này là giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm của nhà máy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, nâng cao uy tín của công ty đối với khách hàng, giúp công ty tiết kiệm được hơn một tỷ đồng/năm, tăng thu nhập cho người lao động.

Người anh cần mẫn trong công việc

Luôn nhiệt tình, tận tụy trong công việc, hòa đồng, giúp đỡ đồng nghiệp, anh Chung luôn được mọi người quý mến và tôn trọng. Anh cũng được ban lãnh đạo bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Dịch vụ của công ty vào cuối năm 2016.

“Trong những năm tháng làm việc tại công ty, đồng chí Chung đã rất nhiệt tình trong việc tìm tòi, học hỏi và đưa ra những sáng kiến, cải tiến đóng góp vào hoạt động sản xuất của công ty. Những sáng kiến giúp nâng cao sản lượng, chất lượng, giảm chi phí trong quá trình sản xuất”, anh Trương Công Bằng, Phó Giám đốc công ty Cổ phần Prime Đại Việt, thành phố Vĩnh Yên cho biết.

Những giải pháp, sáng kiến của anh Chung nói riêng và tập thể công ty nói chung không những góp phần tiết giảm chi phí điện năng, nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm cao, đem lại lợi nhuận trong kinh doanh mà còn đề cao đến vấn đề hạn chế lượng bụi trong chất thải khi thải ra môi trường, tạo ra một môi trường làm việc đúng nghĩa xanh, sạch, đẹp.

Đối với anh Phạm Chí Chung, niềm vui lớn nhất đó là luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm lắng nghe và ủng hộ nhiệt tình. Chính sự khích lệ ấy đã giúp anh cùng các đồng nghiệp có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo, được sống với đam mê góp phần xây dựng không chỉ cho doanh nghiệp nơi anh đang công tác mà còn đóng góp vào sự phát triển của quê hương đất nước.

Nguồn: nguoiduatin.vn

Tin mới