Theo dự kiến, trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Vĩnh Phúc (Trung tâm) sẽ triển khai 25 đề án hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Chính sách này đã khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao được năng lực sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhờ kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công, Cơ sở sản xuất gỗ từ mùn cưa của anh Phan Văn Thắng (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường) đã đầu tư thêm được 01 máy ép thủy lực. Thiết bị mới giúp cơ sở tạo được sản phẩm có năng suất cao, người công nhân vận hành dễ dàng hơn và an toàn hơn. Cơ sở sản xuất dự kiến doanh thu sẽ tăng lên 1.2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 9 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, sau khi tiếp cận được nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, hai Cơ sở sản xuất mộc của anh Phạm Quang Hùng và của chị Phạm Thị Tuyên (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc) đã xây dựng lại nhà xưởng và đầu tư thêm thiết bị mới. Trong đó, cơ sở Phạm Quang Hùng đã quyết định đầu tư máy liên hoàn, cơ sở Phạm Thị Tuyên đầu tư thêm máy đục CNC. Máy móc thiết bị mới giúp các cơ sở tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn, độ chính xác cũng như năng suất được nâng lên rõ rệt. Dự kiến Cơ sở Phạm Quang Hùng sẽ sản xuất được 350 chiếc giường/tháng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng; Cơ sở Phạm Thị Tuyên sẽ sản xuất được 1.000 m
2 ván ốp trần/tháng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Đối với Cơ sở sản xuất hương của anh Vũ Văn Long (xã Đồng Quế, huyện Sông Lô), trước khi có sự hỗ trợ của đề án khuyến công, các máy móc của Cơ sở đều đã lỗi thời, công suất thấp. Nhờ kinh phí hỗ trợ từ Trung tâm, Cơ sở đã đầu tư mới 7 máy bắn hương chạy bằng động cơ điện, có bộ phận biến tần đời mới. Tổng giá trị của lô thiết bị là 100 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng được hỗ trợ không hoàn lại. Với máy móc mới, Cơ sở đã nâng cao được năng suất, sản phẩm làm ra có chất lượng ổn định hơn so với trước đây.
Có thể thấy chính sách hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến cho các cơ sở sản xuất đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, không những thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Vĩnh Phúc cần có giải pháp nhằm tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cũng như tăng khả năng tiếp cận các chính sách khuyến công của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)