Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết bị mới từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long (Trung tâm) có kế hoạch thực hiện 9 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với kinh phí 1 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2016, Trung tâm đã tiến hành nghiệm thu 2 trong số 9 đề án này.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm, Hộ kinh doanh cà phê Trung Hải (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) đã đầu tư mới máy rang, trộn và gàu tải cà phê với tổng kinh phí 286 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công là 125 triệu đồng. Ông Liêu Trung Hải, chủ Cơ sở cho biết, khi mới thành lập, do nguồn vốn hạn hẹp nên máy móc còn lạc hậu, cho năng suất thấp, sản lượng chỉ đạt 350 kg/ngày. Đến khi các thiết bị mới được đưa vào vận hành, chất lượng hạt cà phê đã được nâng cao với 95% hạt đều màu, đẹp; sản lượng tăng lên 1.500 kg/ngày; thời gian rang được rút ngắn 4 lần; lượng nhân công sử dụng giảm 50%.
Với kinh phí 245 triệu đồng (110 triệu đồng là kinh phí khuyến công hỗ trợ), Công ty TNHH Giày Vĩnh Thanh (Phường 9, TP Vĩnh Long) đã đầu tư được 3 máy gồm máy chặt thủy lực, máy may chương trình, máy ép cao tần. Nói về hiệu quả của Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, ông Trần Văn Thanh, giám đốc Công ty Giày Vĩnh Thanh cho biết: Trước đây, do thiếu máy móc thiết bị nên chất lượng, mẫu mã giày của Công ty chưa đạt yêu cầu. Từ khi các máy móc mới đi vào hoạt động, Công ty đã sản xuất được thêm nhiều chủng loại sản phẩm có yếu tố kỹ thuật cao, tiết kiệm được nhân công, hạ giá thành sản phẩm, sản lượng tăng 20%.
Ngoài 2 đề án trên, từ giờ đến cuối năm, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị thụ hưởng hoàn thiện khẩn trương các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh, sản xuất nước chấm, chế biến gỗ, se lõi lác, may công nghiệp và chế biến rau quả. Theo ông Đỗ Hữu Quang, giám đốc Trung tâm: Chính sách khuyến công này đã phát huy hiệu quả, giúp các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường. Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển cũng giúp người lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, đồng thời góp phần làm giàu nguồn thu ngân sách địa phương.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)