Vĩnh Long: Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất cho doanh nghiệp

Ngày 7/3 vừa qua, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện “Dự án năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2016- 2020”, Ban Điều hành dự án đưa ra con số 135 doanh nghiệp tại Vĩnh Long áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất.

Trong 2 năm (2016- 2018), Ban điều hành dự án đã khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phổ biến lợi ích việc tham gia, thực hiện theo dự án tại 135/130 doanh nghiệp, đào tạo hướng dẫn xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,… tại 57 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có nhận thức đúng về việc xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá thành phù hợp.

Tuy nhiên, dự án chưa đạt chỉ tiêu đề ra: chỉ 36,92% doanh nghiệp được hỗ trợ, đa số doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động quản lý tài chính còn mang nặng truyền thống gia đình nên việc hạch toán giá thành sản phẩm chưa được cụ thể, chi tiết…

Hội nghị nhằm thảo luận chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Dịp này, có 15 doanh nghiệp được nhận chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng.

Dự án “Dự án năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2016- 2020” được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt tại Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 03/8/2016, là dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí được phê duyệt trên 36 tỷ đồng (trong đó: ngân sách nhà nước trên 20 tỷ và 16 tỷ còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp).

Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn nhân lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của tỉnh; tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đẩy mạnh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh; phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, thân thiện môi trường; góp phần tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm trên 7,5%, nâng tỷ trọng đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng GRDP đạt từ 35% trở nên vào năm 2020.

Nguồn: VietQ.vn

 
Tin mới