Tại đây, các thành viên được nghe Báo cáo kết quả thực hiện Dự án giai đoạn 2011 – 2015, tình hình thực hiện năm 2016 cũng như lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Kế hoạch thực hiện năm 2017 và Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Điều hành Dự án. Đa số thành viên đều thống nhất cao với các nội dung: khảo sát, thu thập, tính toán và lập báo cáo phân tích năng suất chất lượng tại 50 doanh nghiệp, nhóm ngành; hỗ trợ đào tạo chuyên gia, xây dựng, áp dụng đánh giá chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001, ISO 14000, ISO/TS 29000, BSCI, HACCP…; đặc biệt là kinh phí thực hiện Dự án của năm 2017 là trên 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng: cần rà soát, phân loại đối tượng doanh nghiệp (nhỏ, nhỏ và vừa, lớn, lĩnh vực sản xuất kinh doanh..) để đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí xem xét hỗ trợ và hỗ trợ mức độ nào sao cho phù hợp theo quy định của pháp luật; dự báo tình hình thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Dự án để tham mưu UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ; chú ý hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo hướng giải quyết những nhu cầu bức xúc, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, hàng hoá…
Được biết, Dự án trên được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt tại Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 03/8/2016, là dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, là giai đoạn tiếp theo của Dự án được triển khai thực hiện năm 2011 (giai đoạn 2011 – 2015). Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí được phê duyệt trên 36 tỷ đồng (trong đó: ngân sách nhà nước trên 20 tỷ và 16 tỷ còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp).
Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn nhân lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của tỉnh; tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đẩy mạnh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh; phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, thân thiện môi trường; góp phần tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm trên 7,5%, nâng tỷ trọng đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng GRDP đạt từ 35% trở trên vào năm 2020. Đó là những mục tiêu quan trọng mà Dự án hướng đến. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của tỉnh nói chung và các cơ quan hữu quan nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia thực hiện Dự án.
Nguồn: skhcn.vinhlong.gov.vn