Việt Thắng tiên phong áp dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực may mặc

Trước xu hướng hoà nhập toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang cũng như chương trình “Detox 2020” của thế giới, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã chủ động tiếp cận và là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng “Công nghệ 4.0” để thay thế cho công nghệ sản xuất truyền thống. Công nghệ 4.0 giúp VitaJean nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất – vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.

Ông Phan Văn Việt, Giám đốc VitaJean cho biết, trong thời gian gần đây, VitaJean đã từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại nhất của thế giới vào sản xuất. Điển hình như công nghệ Laser giúp sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, tính chính xác gần như tuyệt đối, các viền và góc cạnh tinh xảo và sắc nét, hình ảnh thiết kế trên sản phẩm đa dạng, phong phú, thời gian thực hiện nhanh chóng, giảm bớt chi phí sản xuất. Hệ thống chuyền may tự động giúp cải thiện không gian đặc biệt là giảm thời gian chết khi công nhân không phải đứng lên để nhận và gửi thành phẩm. Sử dụng công nghệ Ozone nhằm xử lý, thu hồi và tái sử dụng nước nhuộm nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

VitaJean cũng định hướng đầu tư vào công nghệ “5 Không” trong sản xuất, đó là:

• Không sử dụng công nghệ in tẩy truyền thống • Không sử dụng công nghệ chà mài thủ công • Không sử dụng công nghệ phun tẩy hoá chất. • Không sử dụng đá Wash • Đặc biệt là không xả chất thải ra môi trường.

Theo ông Việt, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất dệt, nhuộm không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa sử dụng lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng (giảm từ 50-70%), đặc biệt là giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu hoàn toàn được khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất mẫu mới từ 45 ngày xuống còn 7 ngày, nhờ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Với kinh nghiệm của mình, ông Việt cho rằng, để bắt kịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp phải chuyển hướng sang tự động hóa. Đặc biệt, phải có sự chuyển đổi từ nguyên phụ liệu truyền thống sang nguyên phụ liệu công nghệ cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cần chuẩn bị kỹ để có đủ năng tiếp nhận và khai thác các công nghệ mới một cách hiệu quả.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới