(VietQ.vn) – Việc thành lập Ủy ban năng suất lao động để nghiên cứu, đánh giá về năng suất lao động của người lao động có thể sẽ trở thành căn cứ xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ngày 10/6/2014 về việc nghiên cứu thành lập Ủy ban năng suất lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa ban hành quyết định số 11/QĐ-HĐTLQG về việc thành lập Ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng đề án thành lập Ủy ban năng suất lao động quốc gia.
Ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm xây dựng đề án thành lập Ủy ban năng suất lao động với những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Đề án sẽ phải làm rõ sự cần thiết của việc thành lập Ủy ban năng suất lao động, mối quan hệ của ủy ban với Hội đồng Tiền lương quốc gia và các cơ quan liên quan. Đề án này sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý 4/2015. Năng suất lao động chính là căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu cho người lao động. Ảnh minh họa Ban soạn thảo và tổ biên tập gồm đạo diện các cơ quan: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng… Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vốn và lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức năng suất lao động Châu Á, năng suất các nhân tố tổng hợp của Việt Nam so với các nước trong khu vực rất thấp. Ở cấp độ nền kinh tế, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về tăng trưởng năng suất lao động giai đoạn 2000-2012, nhưng lại đứng dưới hầu hết các nước trong khu vực về mức năng suất lao động trong năm 2012. Về năng suất lao động theo ngành, Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo, dịch vụ và xây dựng. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines… đều có cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về năng suất lao động. Nội dung của các báo cáo về năng suất lao động gồm mức đóng góp của người lao động vào năng suất lao động, các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động và các giải pháp để cải thiện, nâng cao năng suất lao động của người lao động. Đặc biệt, việc thành lập Ủy ban năng suất lao động để nghiên cứu, đánh giá về năng suất lao động của người lao động có thể sẽ trở thành căn cứ xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm, bảo đảm mối quan hệ hợp lý giữa tăng năng suất lao động và tăng tiền lương.
(Tổng hợp)