“Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang nền kinh tế dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng hiện có để duy trì tăng trưởng chất lượng cao trong thập kỷ tới”.
Đây là một trong những kiến nghị nêu trong một báo cáo chung do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện nhằm tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế mới để giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2030.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa trên xuất khẩu mà Việt Nam đã theo đuổi giai đoạn 2011– 2020 đã trở nên lỗi thời trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các yếu tố mới khác như các chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển gần hoàn thiện, tình trạng thoát công nghiệp hóa sớm và ngành dịch vụ ngày càng có vai trò lớn hơn.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì phải duy trì được mức tăng trưởng từ 7,0 đến 7,5% hàng năm trong giai đoạn 2021-30, cao hơn so với mức trung bình 6,3% trong 10 năm vừa qua.
Báo cáo nghiên cứu, đã đề xuất mô hình kinh tế mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 chú trọng vào 3 lĩnh vực đột phá: thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân, phát triển nguồn vốn con người, và xây dựng thể chế hiện đại.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những thành tựu mà Việt Nam đạt được đến hôm nay là kết quả dễ nhận thấy từ công cuộc Đổi mới đầu tiên vào năm 1986, cũng như một loạt những biện pháp cải cách thị trường mạnh mẽ tiếp theo đó. Ngày nay, Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Sống trong kỷ nguyên của những công nghệ đột phá, đang mang lại cả thách thức cũng như cơ hội, đó là “Đổi mới 4.0”.
Đối với Việt Nam hiện nay, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở cấp doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những biện pháp được điều khiển bởi cung phổ biến như tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hoặc tập trung vào các hoạt động phát minh, sáng chế.
Vấn đề tiếp theo là thực hiện. Ông Ousmane Dione phân tích, những thách thức trong quá trình phát triển hiện nay của Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với 30 năm qua. Một phần của sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế là các vấn đề phát triển đang ngày càng trở nên đa ngành. Giảm nghèo không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế, mà còn cải thiện các dịch vụ cơ bản và phát triển nguồn vốn nhân lực. Tương tự như vậy, phát triển vốn nhân lực không chỉ là về giáo dục, mà còn là về chăm sóc y tế trải suốt vòng đời của người dân cũng như chăm sóc người cao tuổi và bảo trợ xã hội. Bản chất của phát triển liên vùng và phát triển khu vực tư nhân cũng mang tính đa ngành. Để giải quyết các vấn đề phức tạp này, cần có sự lãnh đạo và quyết tâm mạnh mẽ. Đồng thời, cần có hệ thống quản trị hiệu quả và phát triển, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng cả theo chiều ngang giữa các bộ ngành trong chính phủ và theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
“Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược này”, ông Ousmane Dione nói.
Nguồn: VCCI