“Trong bối cảnh hoạt động của ngành công nghiệp thực phẩm đang có sự chuyển biến khác biệt, yếu tố về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm ngày càng được đề cao, nhà quản lý cần học hỏi kinh nghiệm và nhìn nhận sâu hơn để có cách tiếp cận phù hợp”.
Đây là những nhận định của TS Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI tại Hội thảo “Hợp tác Việt – Anh và kinh nghiệm sáng tạo trong ngành công nghiệp thực phẩm”. Hội thảo do Đại Sứ Quán Anh cùng văn phòng Thương mại và Đầu tư Anh (UKTI), Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua tại HN, trong khuôn khổ của lễ hội thực phẩm và đồ uống đến từ Anh Quốc.
Vấn đề an toàn thực phẩm toàn cầu và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe cộng đồng cũng như niềm tin của người tiêu dùng luôn thu hút được rất nhiều sự chú ý trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực tế đã và đang được chứng kiến sự nâng cao trong nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, chính phủ các nước và các nhà quản lý trong ngành công nghiệp về an toàn vệ sinh thực phẩm, chuỗi cung ứng và đóng gói thực phẩm. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, sự gia tăng bình ổn của dân số, và thu nhập hộ gia đình, vấn đề xuất nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm cần có sự quan tâm lớn hơn từ các bên liên quan khác nhau.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2014, VN đã xuất khẩu đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc… đã sử dụng thực phẩm của Việt Nam với doanh số gần 37 tỷ USD, nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu… của Việt Nam đã đứng vào hàng top đầu trong các nước xuất khẩu. Lương thực thực phẩm của Việt Nam ngoài số lượng cung cấp cho người dân trong nước, số lượng xuất khẩu có thể đủ nuôi sống 100 triệu người nữa.
Thị trường thực phẩm trong nước cũng được quan tâm nhiều hơn,VN nhiều vùng nguyên liệu an toàn như vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn… đã được xây dựng. Nhiều nhà máy chế biến thực phẩm đã được thế giới chứng nhận về hệ thống ATTP.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cũng thừa nhận, công tác ATTP hiện nay vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể mặc dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao; tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. Điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống không bảo đảm.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP ở VN còn rất thấp (giai đoạn 2001 – 2005 chỉ bằng 1/20 của Thái Lan, giai đoạn 2006 – 2010 kinh phí được tăng lên, tuy nhiên năm 2014 lại bị cắt giảm khoảng 60% so với năm 2013)…
Điều đáng nói là mặc dù xuất khẩu thực phẩm của VN chiếm tỷ lệ lớn, chiếm nhiều thứ hạng top 1,2 trên thế giới nhưng giá trị kim ngạch cho từng sản phẩm rất thấp do chủ yếu xuất thô là chính. Doanh nghiệp cũng luôn gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm của các thị trường trên thế giới.
Vì vậy, theo ông Phong, các doanh nghiệp nên tập trung phát triển các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất an toàn để ngoài phục vụ thị trường trong nước thì có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường thế giới. Đối với thực phẩm chế biến sẵn, hiện VN đã có những nhà máy, hệ thống quản lý thực phẩm tiên tiến được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế, ví dụ như hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạm, thay vì quản lý kiểm nghiệm chất lượng cuối cùng thì nên đưa vào hệ thống quản lý cả quá trình.
Theo ông Eddiee O’shea, luật sư Công ty luật Hogan Lovells International LLP, hiện có ít nhất 50 văn bản hướng dẫn thực thi quy định nội dung khác nhau về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá, cho dù có nhiều văn bản như vậy nhưng VN hiện chưa có đầy đủ khuôn khổ pháp lý và tập trung về an toàn thực phẩm, trách nhiệm quản lý phân tán ra các bộ, ngành khác nhau.
Còn theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc, với phương pháp nộp hồ sơ thông qua Internet, doanh nghiệp xuất khẩu phải mất từ 7-30 ngày để có được sự phê duyệt của Cục an toàn thực phẩm Việt Nam.
Bởi vậy, để thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm, không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm mà việc chuẩn hóa và đồng bộ các văn bản, thủ tục hành chính là điều cần quan tâm và thực hiện càng sớm càng tốt.