Là doanh nghiệp (DN) hoạt động với dây chuyền công nghệ đúc chân không Lost foam, Thắng Lợi còn được biết đến là đơn vị có sự đầu tư bài bản về khoa học và công nghệ (KH&CN) khi đầu tư xây dựng trung tâm kiểm định kim loại mang tính khu vực, với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, phần mềm ứng dụng chuyên ngành được vận hành theo tiêu chuẩn ISO:17025, cùng hệ thống quản lý chất lượng ISO:9001-2015.
Tuy nhiên, nhằm hướng tới mục tiêu “không phế phẩm, không sự cố dừng máy, không hao hụt và không tai nạn”, từ tháng 9/2019 Thắng Lợi tham gia Chương trình hỗ trợ thực hiện TPM của Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho các DN sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”. Các nội dung cải tiến được tập trung vào 3 trụ cột, bao gồm: Trụ cột bảo trì tự quản (AM), trụ cột bảo trì có kế hoạch (PM) và trụ cột cải tiến tập trung (FI) được thiết lập và áp dụng tại máy sooc bi (máy làm bi), và từng bước rút kinh nghiệm để triển khai mở rộng sang các khu vực sản xuất và dây chuyền khác.
Sau 3 tháng triển khai chương trình, đến tháng 12/2019, Ban TPM của Vico và tư vấn đã cùng đánh giá kết quả thực hiện tại máy sooc bi rất khả quan. Cụ thể, đánh giá TPM cho thấy, điểm đánh giá đạt 74% ( đạt) so với các mục đánh giá về: Đưa ra mục tiêu TPM; cách thức thực hiện TPM; AM; PM và FI.
Với AM, Ban TPM cùng với các nhân viên vận hành, và phòng Quản lý chất lượng đã thực hiện 19 thẻ đỏ và giám sát tỷ lệ khắc phục thẻ đỏ hàng tuần. Bộ phận cơ điện xác định các điểm khó vệ sinh, soạn thảo các bài học một điểm (OPL), cập nhật 2 hướng dẫn vận hành máy sooc bi và đào tạo cho người vận hành về cách kiểm tra máy hàng ngày.
Với PM, công ty đã đưa ra kế hoạch bảo dưỡng thiết bị hàng tuần, từ đó đánh giá kỹ năng của nhân viên cơ điện theo ma trận kỹ năng; công ty đã lập danh mục các lỗi tại từng máy, cụ thể phân nhóm theo lỗi cơ khí, lỗi điện động cơ, lỗi điện điều khiển… từ đó thống kê, ghi chép lại thời gian dừng máy do sự cố để tính toán chỉ số MTBF (thời gian trung bình giữa hai lần hư hỏng)…
Với FI, dựa trên thống kê tần suất và thời gian hỏng máy theo từng lỗi, Ban TPM đã đưa ra các kaizen như: Tăng tuổi thọ bu-lông của máy và tăng tuổi thọ cánh văng, tối ưu hóa các bước sản xuất… mang lại hiệu quả, giảm chi phí gas và chi phí oxi cho công ty.
Từ kết quả đạt được, Công ty Thắng Lợi cho biết sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động TPM đã được đơn vị tư vấn, hướng dẫn và mở rộng áp dụng TPM sang các khu vực, dây chuyền sản xuất khác. |
Nguồn: congthuong.vn