Sản xuất tinh gọn – Lean là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh nhờ đó giúp các tổ chức, doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.
Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng Lean trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng theo ông Pieter Pennings – Giám đốc Phụ trách Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp vừa – nhỏ Việt Nam tại Vietnam Supply Chain, đa phần doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đang loay hoay trong cấp độ đầu tiên của ứng dụng “Sản xuất tinh giản”, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam tiến đến giai đoạn “Doanh nghiệp tinh gọn” hoặc “Tư duy tinh gọn”.
Thực tế, không ít chủ doanh nghiệp suy nghĩ hiểu lầm rằng Lean là tinh gọn, nghĩa là bao gồm cả tinh giản nhân sự. Trong thực tế thì Lean không đề cập đến tinh giản nhân sự mà là tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất cho quá trình liên quan đến các nhân sự đang phụ trách.
Tình trạng phổ biến ở Việt Nam là việc doanh nghiệp ứng dụng Lean theo phong trào nên việc triển khai chưa tới nơi tới chốn hoặc sao chép một cách máy móc từ doanh nghiệp khác mà không thay đổi cho phù hợp với đặc điểm tình hình doanh nghiệp mình”.
Theo ông Đặng Hoàng Vũ – Quản lý điều hành tại Spiral Consulting với hơn 10 năm kinh nghiệm ứng dụng mô hình này nói, một trong những nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp triển khai Lean không hiệu quả là do thiếu sự kiên trì, không đặt ra mục tiêu từng giai đoạn nên không đạt kết quả. Đôi khi doanh nghiệp có đặt ra mục tiêu nhưng không cụ thể, thiếu sự cam kết, sự quyết tâm từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thì đội ngũ triển khai mỏng về số lượng và yếu chuyên môn, phương pháp triển khai mang nặng tính lý thuyết
Giải pháp nào để các doanh nghiệp Việt ứng dụng Lean thành công?
Việc áp dụng cứng nhắc những nguyên tắc và lý thuyết chỉ đem lại hình thức chứ không thực sự đưa đến những giải pháp bền vững. Lean chỉ được triển khai bền vững nếu như doanh nghiệp tự thực hiện những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với thực trạng của riêng mình.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tự cho rằng họ đang dẫn đầu trong ngành và không có lý do gì phải thay đổi, thế nhưng khi được các chuyên gia Lean hướng dẫn cách phân tích dữ liệu ngoài các con số về doanh thu, thị phần thì họ mới nhận thấy được vị trí thực sự của họ so với các doanh nghiệp trong nước và khu vực. Lean đòi hỏi chấp nhận thay đổi tư duy.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tập trung vào những quy trình quản lý nội tại, xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng cải tiến liên tục và đổi mới tư duy. Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải tiên phong cải tiến, đổi mới để tạo động lực thay đổi tư duy cho toàn bộ công nhân viên.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)