VEPR: Năng suất lao động một số ngành Việt Nam thua Campuchia

Viện nghiên cứu kinh tế này cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam thấp gần nhất trong 9 nước Đông Bắc Á và ASEAN.

Theo đơn vị nghiên cứu, năng suất lao động bình quân của lao động Việt Nam tính theo giá hiện hành tăng từ 38,64 triệu đồng năm 2006 lên 60,73 triệu đồng vào cuối năm 2017. Trên phương diện so sánh quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia).

Tuy nhiên, VEPR cho biết, kết quả cho thấy, tới năm 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đang ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên. Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong các nước so sánh, thậm chí xếp sau Campuchia ở 3 ngành gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải – kho bãi – truyền thống.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành: nông nghiệp, điện – nước – khí đốt, bán buôn – bán lẻ – sửa chữa. Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng, tài chính – bất động sản – dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng – xã hội – cá nhân.

“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn về năng suất lao động của các ngành kinh tế”, đơn vị nghiên cứu khuyến nghị.

Năng suất lao động thấp là một trong những bài toán đặt ra từ lâu đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt khi gần đây nhiều nghiên cứu chỉ ra khoảng cách ngày càng xa với những quốc gia trong khu vực.

Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt tốc độ 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2005 – 2014. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc .

Liên quan đến chính sách tăng lương tối thiểu, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra rằng, doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi tăng lương tối thiểu. VEPR nhận định, việc tăng lương tối thiểu làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm trong tất cả các ngành. Khi tăng lương tối thiểu, các ngành thâm hụt lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc, phù hợp với xu hướng chung. Tuy nhiên, một số ngành thâm dụng vốn như điện tử, sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc, cho thấy khả năng các nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh, thoái lui đầu tư.

Theo đó, đơn vị nghiên cứu kiến nghị việc điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. “Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua. Nếu lương tối thiểu tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động ở mức độ như vậy sẽ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt”, báo cáo nêu rõ.

Theo đơn vị này, Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. “Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn”, tổ chức nghiên cứu nhận định.

Chất lượng lao động việc làm cũng là vấn đề được đề cập đến trong báo cáo. Hơn 60% lao động trẻ có trình độ trung học cơ sở và phổ thông tham gia vào thị trường lao động nhưng làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể hoặc lao động gia đình, trong khi đây là khu vực có năng suất lao động thấp, bấp bênh và thu nhập không ổn định.

Một trong những chủ trương chính sách lớn trên thị trường lao động của Việt Nam là gửi các lưu học sinh, thực tập sinh và lao động trẻ ra làm việc, học tập tại nước ngoài. Trên cơ sở đó, giúp cải thiện thu nhập cho người lao động, đồng thời nâng cao tay nghề, rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ lao động trẻ của Việt Nam. Số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 khoảng 90.000 người và trở về Việt Nam vào cuối năm 2017 khoảng 57.000 người.

Tuy nhiên, VEPR cho rằng, thực tế, trình độ kỹ thuật và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại địa phương. Do đó, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Việt Nam, cần cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ thực tập sinh, bao gồm các hoạt động sau khi về nước.

Theo: vnexpress.net

Tin mới