VEAM: Thu lợi lớn nhờ Kaizen

Hơn 5 tỷ đồng giá trị tăng thêm là số tiền Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có được trong năm 2018 nhờ phong trào Kaizen. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc VEAM – xung quanh vấn đề này.

Là doanh nghiệp với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính như: Sản xuất lắp ráp và kinh doanh ôtô; đúc chi tiết chế tạo máy và đặc biệt nhiều công ty thành viên của VEAM hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tổng công ty cũng là đối tác liên doanh với nhiều công ty đa quốc gia như: Toyota, Honda, Ford… do vậy, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, giá thành sản phẩm của các đối tác liên doanh, khách hàng với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bắt buộc công ty phải có các biện pháp để nâng cao năng suất giảm giá thành và chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng đúng tiến độ giao hàng đã ký kết.

Nếu trước kia Kaizen,5S hay TPM… được các công ty thành viên của VEAM áp dụng nhỏ lẻ thì từ năm 2016, hoạt động này đã trở thành phong trào trong toàn tổng công ty. VEAM đã thành lập Ban Kaizen tại tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên, từ đó xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể như: Tổ chức đào tạo cho các cán bộ, công nhân viên của các doanh nghiệp về Kaizen, 5S, quản lý sản xuất theo hướng tinh gọn Lean 6 Sigma hay các phương thức quản lý của Toyota, Honda… Đặc biệt, công ty đã tận dụng các chương trình đào tạo cho các nhà cung cấp của Honda để triển khai tại các đơn vị thành viên của VEAM cấp phụ tùng cho Honda.

Theo đó, các chuyên gia của Honda đã sang giúp đào tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp thành viên của VEAM, kiểm tra hiện trường từ phương thức quản lý trong sản xuất đến các tiêu chuẩn giao hàng đáp ứng tiến độ nhu cầu của khách hàng, thị trường. Qua quá trình đánh giá của các đối tác đối với các nhà cung cấp… VEAM thấy cần thiết phải cải tiến hệ thống quản lý sản xuất để đáp ứng các tiêu chí của đối tác, khách hàng lớn, nhằm đảm bảo các tiêu chí nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành… nhờ đó mà VEAM có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2016 là năm đầu tiên VEAM đặt mục tiêu mỗi CBCNV có ít nhất 1 Kaizen, kết quả, tổng công ty đạt được 6.252 Kaizen/gần 6.000 lao động; năm 2017, VEAM đã đạt được 10.500 Kaizen, ở nhiều đơn vị thành viên, số lượng các Kaizen đều cao hơn kế hoạch tổng công ty đặt ra như: Veam Motor (152%), Cơ khí Cổ Loa (126%), SVEAM (120%)… Năm 2018, số lượng Kaizen của VEAM đã tăng lên 10.769, đạt 1,85 Kaizen/lao động.

Tính đến tháng 8/2018, công ty đã cải tiến các khâu xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải, cải tiến phần xuất nhập hàng thành công để giúp đưa dây chuyền đúc tự động mới được đầu tư đi vào hoạt động hết công suất làm 3 ca/ngày, đáp ứng sản xuất hàng cho xuất khẩu cho Công ty Hyosung (Hàn Quốc). Công ty đã triển khai áp dụng các quy định về an toàn lao động, môi trường, đồng thời đưa vào cải tiến để xử lý xỉ thải sau đúc, trong đó 1 phần được sử dụng làm gạch không nung và một phần được tái sử dụng làm khuôn đúc cát tươi bán tự động, ước tính sơ bộ hàng năm, Kaizen này đã làm lợi hàng tỷ đồng cho nhà máy Đúc VEAM…

Nguồn: Báo Công Thương

Tin mới