Theo một báo cáo gần đây của nhóm chuyên gia đáng tin cậy Chatham House, nền kinh tế nước Anh có thể gặp rủi ro do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào mô hình kinh doanh Just-in-time.
Báo cáo “Chuẩn bị cho những sự kiện hi hữu có ảnh hưởng lớn: Những bài học từ Eyjafjallajokull” (một núi lửa tại Iceland đã gây ra sự rạn nứt toàn cầu quy mô lớn vào năm 2010) đã kết luận rằng mô hình kinh doanh Just-in-time khiến cho các doanh nghiệp và các nền kinh tế gặp rủi ro đáng kể từ những cuộc khủng hoảng và hiểm họa, chẳng hạn như sự thiếu hụt nhiên liệu và tài nguyên, các cuộc thiên tai và hiện tượng thời tiết bất lợi.
Mô hình kinh doanh Just-in-time là mô hình mà trong đó quy trình sản xuất và dự trữ hàng hóa được sắp xếp hợp lý để đem lại hiệu quả cao hơn, từ đó làm giảm đáng kể hàng hóa lưu trữ và chi phí hàng tồn kho liên quan. Thay vì phải giữ một lượng lớn hàng hóa tồn đọng, hoặc sản xuất số lượng lớn sản phẩm để dự phòng trước cho nhu cầu hàng hóa, hàng lưu kho liên tục được bổ sung theo nhu cầu hiện có, và quá trình sản xuất được vận hành theo một lịch trình chặt chẽ. Mô hình kinh doanh Just-in-time phụ thuộc vào việc tiếp cận liên tục với các nguồn lực cần thiết, đó là lý do tại sao chúng có thể trở thành vấn đề nan giải khi tình trạng khủng hoảng và thiếu hụt đang diễn ra.
Toàn cầu hóa, các cuộc khủng hoảng và mô hình kinh doanh Just-in-time
Trong một thế giới ngày càng có xu hướng toàn cầu hóa, trong đó nhiều điểm mấu chốt trong chuỗi cung ứng mở và liền mạch thường mở rộng trong phạm vi hàng ngàn dặm, nguy cơ các doanh nghiệp nước Anh bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng, đổ vỡ hoặc thảm họa đang ngày một gia tăng. Theo báo cáo của Chatham House, “Những tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai có vẻ là sẽ không chỉ nằm trong phạm vi cục bộ – bất kể chúng xuất phát từ đâu đi chăng nữa – và rất có thể sẽ ảnh hưởng tới nhiều hơn một quốc gia hoặc khu vực. Các lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu hóa và đặc biệt là mô hình kinh doanh Just-in-time sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự gián đoạn nào kéo dài hơn một vài ngày”.
Nhóm tác giả của báo cáo cũng nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp mà họ khảo sát đã cho thấy, vào năm 2010, khi xuất hiện những đám mây tro bụi gây ra bởi một ngọn núi lửa Iceland, hiện tượng này kéo dài chỉ thêm vài ngày thì đã dẫn tới hậu quả là “phải mất ít nhất một tháng để những công ty của họ có thể phục hồi”. Họ tiếp tục nói rằng “Một tuần có vẻ là mức chịu đựng tối đa của nền kinh tế toàn cầu theo mô hình Just-in-time”.
Những lợi ích và rủi ro của mô hình Just-in-time
Nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao như xe cộ và thiết bị điện tử tiêu dùng) đã áp dụng mô hình kinh doanh Just-in-time bởi nó giúp cho họ có khả năng thích ứng và phản xạ tốt hơn với nhu cầu khách hàng, cắt giảm chi phí và rủi ro, kết hợp với việc lưu giữ một số lượng lớn hàng tồn. Nhưng vấn đề là, khi chuỗi cung ứng và chu trình vận hành của họ có quá ít giai đoạn nghỉ ngơi, họ trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi những sự gián đoạn kéo dài.
“Các ngành công nghiệp – đặc biệt là những ngành sản xuất sản phẩm giá trị cao – có thể cần phải xem xét lại mô hình kinh doanh Just-in-time của họ trong mối quan hệ tương tác phụ thuộc lẫn nhau,” ông Bernice Lee, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.
Để giảm thiểu các rủi ro gây ra bởi khủng hoảng, bản báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị đối với chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm “Thực hành thử nghiệm tính ổn định đối với rủi ro”, “Chia sẻ những bài học và năng lực tốt nhất (nếu phù hợp), đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và chính phủ”, và đầu tư vào “Những nguồn lực phục vụ cho việc đào tạo và tài trợ cho khả năng thích ứng của doanh nghiệp”. Họ cũng gợi ý rằng “Các doanh nghiệp cần tiến hành phân tích chi phí-lợi ích của các phương án, ví dụ như chuyển những mặt hàng khó hư hỏng đến các trung tâm địa phương và trung tâm lưu hàng để tránh gặp phải những trường hợp vận chuyển liên lục địa khẩn cấp”.
Đối với nhiều doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo mô hình Just-in-time, điều quan trọng nhất có lẽ là việc tiến hành hoạt động phân tích chi phí-lợi ích chú tâm vào các nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi nhiều sự kiện, từ những nguyên nhân chủ quan hay khách quan như do khủng hoảng toàn cầu hoặc một nhà cung cấp vật liệu đầu vào chính bị đóng cửa.
Văn phòng NSCL biên dịch