Hiện tại, Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 là một trong các Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo kết quả khảo sát của tổ chức ISO, trên thế giới có 1,6 triệu công ty được cấp chứng nhận ISO 9001 trong năm 2014. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, số chứng chỉ ISO 9001 tăng từ 1237 năm 2004 lên 3786 chứng chỉ năm 2014.
Để duy trì được Hệ thống ISO 9001 trong các công ty, nhà máy, một bộ phận quan trọng là phòng quản lý chất lượng. Tùy theo từng công ty, tổ chức, vai trò và nhiệm vụ của phòng Quản lý chất lượng sẽ khác nhau, tuy nhiên, có thể nêu lên một số công việc điển hình trong phòng quản lý chất lượng như: Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm soát, kiểm tra chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra và đến khách hàng, bao gồm;
Các hoạt động về đào tạo
– Hướng dẫn, đào tạo nhân viên trong phòng thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng. Phối hợp với nhân viên, công nhận bộ phận QC, bộ phận khác để kiểm soát quy trình sản xuất.
Các hoạt động kiểm tra, giám sát
– Quản lý hoạt động kiểm tra nguyên vật liệu, sản phẩm mới.
– Phối hợp với các bộ phận để tìm ra nguyên nhân gây phát sinh lỗi và đề xuất chính sách cải thiện, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng, quản lí chất lượng (QMS, ISO, Part Quality control…).
– Theo dõi và hổ trợ các bộ phận, phân xưởng xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng;
– Kiểm tra thông tin về hồ sơ, chất lượng trong đơn hàng, chịu trách nhiệm về chất lượng của các đơn hàng; giải quyết các sự cố về chất lượng sản phẩm.
Các hoạt động đảm bảo chất lượng với khách hàng
– Quản lý các báo cáo khách hàng & những bộ phận có liên quan về thông tin sản xuất và kiểm tra sản phẩm; Đối ứng đánh giá của khách hàng, nhận góp ý từ khách hàng, thực hiện các báo cáo về sản phẩm.
– Thực hiện báo cáo hàng tuần/tháng, quý và báo cáo định kỳ cho ban lãnh đạo.
Để đảm trách được các công việc của phòng quản lý chất lượng, các công ty thường tìm kiếm các kỹ sư QC/QA có các kinh nghiệm, kỹ năng như:
– Có kỹ năng huấn luyện, đào tạo nhân viên.
– Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục tốt.
– Có thể làm việc độc lập và làm việc theo nhóm
– Khả năng tổ chức công việc và giám sát
– Khả năng trình bày tốt
– Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật hoặc các ngành có liên quan; có kinh nghiệm liên quan đến hoạt động sản xuất của công ty.
Những vai trò và kỹ năng trên đây giúp hình dung cơ bản về vai trò, chức năng và hoạt động của các kỹ sư quản lý chất lượng, những nhân tố quan trọng đảm bảo hệ thống quản lý chất lượng của công ty, tổ chức.
Văn phòng NSLC (tổng hợp)