Ưu thế của công nghệ 5G và tác động của chúng tới doanh nghiệp (Phần 2)

Một sự thay đổi quan trọng khi doanh nghiệp áp dụng 5G đó là cách thức quản lý mạng nội bộ của họ. Một tổ chức được kết nối với nhau bởi nhiều thiết bị khác nhau (Như thiết bị thu phát sóng wifi, dây cáp quang, dây đồng…), nhiều hình thức khác nhau (Như truyền thông công nghiệp (fieldbus), kết nối trực tiếp (ethernet), hay kết nối không dây (wireless)).

Tất cả những yếu tố kể trên đều góp phần hình thành một mạng lưới dữ liệu nội bộ cho tổ chức. Thông thường, những thiết bị trong mạng lưới này đều đồng cấp và có quyền chia sẻ, truy cập tương đương nhau. Giới hạn bảo mật chỉ được thiết lập khi quản trị viên tước quyền và cấp quyền cho một số thiết bị nhất định. Điều này gây khó khăn cho quá trình quản lý và bất tiện khi chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên với công nghệ 5G, mạng nội bộ của tổ chức sẽ được phân lớp thành nhiều mạng nhỏ phụ thuộc vào từng chuyên môn ngay từ đầu. Mỗi lớp đều có thể coi là một mạng riêng để bao phủ cho một khu vực cụ thể. Các mạng này được kết nối với nhau thông qua một trung tâm điều khiển, do đó quyền kiểm soát và tính bảo mật của dữ liệu được cải thiện đáng kể.

Không những thế, 5G còn giúp tổ chức tiếp cận công nghệ “điện toán đám mây” một cách thuận lợi hơn. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ này giảm bớt được chi phí đầu tư ban đầu về cơ sở hạ tầng, bên cạnh đó những chi phí như máy móc và nguồn nhân lực cũng sẽ được giảm đến mức thấp nhất. Tốc độ xử lý cao của 5G kết hợp với “Đám mây dữ liệu” có khả năng mở rộng và thu hẹp nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng hoang phí hay thiếu hụt tài nguyên khi triển khai công việc, giúp cải thiện chất lượng các dịch vụ được cung cấp trên đám mây. Ngoài ra, Các ứng dụng triển khai trên nền tảng điện toán đám mây dễ dàng để sửa chữa và cải thiện về tính năng, bởi chúng không được cài đặt cố định trên một máy tính nào.

Dưới đây là một vài ví dụ về cách mà 5G có thể cải thiện cách thức hoạt động cho doanh nghiệp của bạn:

  • Tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực quản lý
  • Nâng cao khả năng bảo trì dự đoán và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất
  • Khai thác tiềm năng của Thực tế tăng cường (AR) để cải thiện việc kiểm soát chất lượng
  • Phát hiện các mối nguy hại và giám sát, bảo trì từ ​​xa
  • Đào tạo, hướng dẫn nhân viên thông qua ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường
  • Giám sát và quản lý nguồn hàng trong chuỗi cung ứng

Trong tương lai, tác động của 5G sẽ không chỉ làm thay đổi hoạt động sản xuất và hậu cần mà còn đóng vai trò không nhỏ đối với các hoạt động thương mại, truyền thông, văn hóa – du lịch và cả quản lý. Bởi vật có thể nói tiềm năng của 5G đối với mỗi doanh nghiệp là vô cùng lớn.

Văn phòng NSCL biên dịch

Tin mới