Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong chế biến, sản xuất chính là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2019, khi tỉnh ta triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), việc đầu tư ứng dụng KHCN càng được các chủ thể kinh tế chú trọng nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất. Đồng thời, góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng để tham gia vào chu trình OCOP của huyện, tỉnh.
Huyện Thọ Xuân nổi tiếng với nhiều sản vật có chất lượng, chiếm được sự tin tưởng, ủng hộ của người tiêu dùng, như: Bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ, nem nướng, kẹo lạc… Khi Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn, các sản phẩm có lợi thế của địa phương ngày càng được quan tâm, chú trọng đầu tư, nhằm xây dựng và khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, hiện trên địa bàn huyện đang có 18 sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP. Trong đó, đa phần các sản phẩm đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý… Qua đó, đã có 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, là: Kẹo gạo lức Đức Giang, kẹo lạc Đức Giang của Công ty TNHH Đức Giang và Bánh gai Lâm Thắm của cơ sở sản xuất Lâm Thắm. Để định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng được thương hiệu, huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ các chủ thể kinh tế tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm. Đồng thời, hoàn thiện các hồ sơ chứng minh tiêu chuẩn, chất lượng trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH Đức Giang tại xã Phú Xuân là doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản xuất, chế biến kẹo lạc truyền thống theo quy mô lớn. Để nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, việc áp dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm được công ty đặc biệt chú trọng. Anh Dương Văn Giang, giám đốc công ty, cho biết: Chất riêng của sản phẩm kẹo lạc, kẹo gạo lức Đức Giang chính là độ giòn của lạc rang, gạo lức, thơm đậm vị gừng và ngọt nhẹ của mạch nha… Để làm ra những sản phẩm chất lượng đòi hỏi công ty phải đầu tư về công nghệ để lựa chọn và sản xuất những sản phẩm tốt nhất. Trong khâu chế biến, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, công ty đầu tư mua 1 máy sấy thăng hoa, 1 máy cắt, 2 dây chuyền đóng túi tự động… Anh Giang cho biết thêm: “Từ khi ứng dụng những công nghệ mới này, tỉ lệ pha trộn được bảo đảm. Nhất là trong khâu chế biến, đóng gói, áp dụng công nghệ giúp sản phẩm đẹp về hình thức mẫu mã, khả năng bảo quản lâu hơn, được người tiêu dùng đón nhận tốt hơn”. Nhờ biết ứng dụng KHCN vào sản xuất, hàng năm Công ty TNHH Đức Giang tiêu thụ khoảng 30 tấn kẹo lạc, hơn 20 tấn kẹo gạo lức, doanh thu bình quân đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Là sản phẩm thế mạnh của huyện Hậu Lộc, rượu Chi Nê của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Mỗi năm công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 2 triệu lít rượu các loại. Từ cuối năm 2010, sau khi đưa hệ thống thiết bị chưng cất quy mô Pilot, nồng độ andehit, methanol trong sản phẩm rượu Chi Nê giảm, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Đồng thời, các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm, tạo niềm tin, sự ủng hộ ngày càng lớn của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công ty CP Thương mại Hậu Lộc, cho biết: Để chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã mở rộng quy mô nhà xưởng, hiện đại hóa quy trình sản xuất rượu bảo đảm những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì theo hướng bắt mắt hơn. Với những cải tiến đó, sản phẩm rượu Chi Nê của công ty đã được Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP Thanh Hóa xếp hạng 3 sao năm 2019. Ngoài ra, để khẳng định, nâng tầm vị thế của sản phẩm trên thị trường cũng như nâng hạng cho sản phẩm của đơn vị trong Chương trình OCOP, công ty sẽ mời các chuyên gia tư vấn đưa những công nghệ hiện đại nhất áp dụng vào ngành sản xuất bia, rượu.
Qua khảo sát của đơn vị chuyên môn, hầu hết các chủ thể kinh tế trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch… góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng KHCN là một trong những yếu tố then chốt giúp những sản phẩm nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, để nâng tầm các sản phẩm OCOP, tỉnh cần tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, các tiến bộ KHCN vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm sản, nhất là những sản phẩm có thế mạnh.
Nguồn: baothanhhoa.vn