Ứng dụng của công cụ Poka-Yoke trong quá trình sản xuất

Poka-Yoke hiện nay vẫn còn là một khái niệm khá mới với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Đây là một công cụ giúp loại trừ các vấn đề sự cố và sai lỗi vô ý diễn ra trong quá trình sản xuất và chế tạo.

Công cụ Poka-Yoke là gì

Công cụ Poka-Yoke là một kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất giúp ngăn ngừa sai lỗi do sự vô ý của người vận hành và được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên ba đặc điểm chính và quan trọng của công cụ này:

  • Tự động phát hiện các sai lỗi, sự cố trong quá trình: Trong sản xuất, các lỗi kĩ thuật hoặc sai sót dẫn đến các sản phẩm khuyết tật là một phần của quá trình và không thể loại bỏ hoàn toàn. Chính vì vậy, công cụ chống sai lỗi được áp dụng để phát hiện kịp thời các sai sót.
  • Khắc phục các lỗi, sự cố: Một khi phát hiện được các lỗi, sự cố một cách nhanh nhất thì việc khắc phục các lỗi và sự cố trở nên dễ dàng hơn. Việc khắc phục này có thể được thực hiện bởi con người hoặc tự động.
  • Phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp ngăn ngừa các lỗi, sự cố: Ngoài việc phát hiện và khắc phục, điểm quan trọng nhất của công cụ chống sai lỗi POKA YOKE là giúp phân tích được nguyên nhân lỗi và đưa ra các giải pháp, các ý tưởng để ngăn ngừa các lỗi hoặc sự cố tiếp tục xảy ra.

Ứng dụng của công cụ Poka-Yoke trong sản xuất

Trong quá trình sản xuất, Poka-Yoke được ứng dụng rất nhiều để tránh các lỗi trong quá trình lắp ráp, chế tạo và nâng cao khả năng an toàn lao động. Có thể kể đến một số ví dụ:

  • Ở các nhà máy cơ khí, hiện nay việc gá phôi vào khuôn ở các máy dập hầu như vẫn được thực hiện bằng con người, thao tác dập được điều khiển bằng nút bấm trên bàn máy. Trong quá trình vận hành, để thao tác nhanh, người lao động thường một tay thay phôi, một tay bấm nút điều khiển. Như vậy rất dễ xảy ra sự cố mất an toàn lao động. Với phương pháp Poka-Yoke, phương pháp giải quyết vấn đề được đưa ra là thực hiện việc điều khiển bằng hai nút bấm đồng thời. Người lao động phải dùng hai tay để bấm nút thì máy mới thực hiện thao tác dập. Một phương pháp khác cũng được đưa ra là lắp cảm biến cho máy dập, khi còn có tay của công nhân trong vùng không an toàn thì máy sẽ không làm việc.
  • Trong quá trình lắp ráp các sản phẩm việc lắp nhầm các chi tiết là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy công cụ Poka-Yoke đưa ra các giải pháp ngăn ngừa như thiết kế các lỗ lắp chi tiết có hình dạng và kích thước khác nhau để nếu lắp sai chi tiết thì người lao động cũng không thể lắp vừa và nhận ra ngay.

Trên đây chỉ là hai ví dụ cơ bản nhất trong việc áp dụng công cụ Poka-Yoke. Với những hiệu quả thực tế mang lại, hy vọng Poka-Yoke sẽ được ứng dụng nhiều hơn nữa trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới