Trong thời gian gần đây, tập đoàn Vingroup đã cho ra mắt nhiều mẫu thiết kế ô tô dòng xe điện và xe động cơ đốt trong cỡ nhỏ tiêu chuẩn quốc tế. Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt tham gia sản xuất xe điện, đánh dấu bước đột phá cho sự phát triển và hội nhập của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và góp phần làm gia tăng tỉ lệ nội địa hóa thị trường ô tô trong nước.
Để đạt được những thành tựu kể trên, việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại là không thể thiếu. Cùng với VinFast, Huyndai Thành Công và Thaco là những cái tên được nhắc tới nhiều nhất trên thị trường ô tô thời gian qua, đặc biệt là ở lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất. Hàng loạt các nhà máy lắp ráp, sản xuất linh phụ kiện đã được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và mở rộng phạm vi hoạt động.
Một ví dụ điển hình là Nhà máy Thaco Mazda. Trong giai đoạn 1, khi nhà máy mới được đưa vào hoạt động trong quý I/2018 với công suất 50.000 xe/năm, Thaco Mazda đã được xem là nhà máy sản xuất ôtô du lịch Mazda lớn nhất và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Tại đây có dây chuyền hàn bằng robot với công nghệ hàn laser, hệ thống sơn tĩnh điện với công nghệ nhúng liên tục, dây chuyền sơn màu với công nghệ sơn lót và sơn hoàn thiện không qua công đoạn sấy đáp ứng tiêu chuẩn bề mặt theo yêu cầu của các màu sơn cao cấp, dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa…Đối với Hyundai Thành Công, kế hoạch xây dựng một nhà máy ô tô thứ 2 tại Ninh Bình cũng đã được công bố vào cuối tháng 3 vừa qua và đang trong giai đoạn chuẩn bị để triển khai.
Bên cạnh Thaco, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới nội địa hóa thị trường cũng là mục tiêu của nhiều nhà sản xuất ô tô nước ta, trong đó có VinFast. VinFast ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy, giúp cho các thiết bị và một phần/toàn thể dây chuyền ở một nhà máy được kết nối với nhau thông qua các cảm biến được kết nối qua mạng và/hoặc điện toán đám mây. Các thông tin trong quá trình sản xuất sẽ được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích. Các dữ liệu này sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với các thiết kế, nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với các mong muốn ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng của khách hàng về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng và giá thành.
Nhìn chung, để thực hiện mục tiêu nội địa hóa ngành sản xuất ô tô hiện vẫn còn non trẻ của nước ta, việc đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp có một môi trường cạnh tranh công bằng hơn, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư FDI và hướng tới tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm ô tô Việt Nam ra thế giới.
Văn phòng NSCL tổng hợp