Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, không riêng gì ngành chế biến gỗ mà các ngành hiện nay đều phải có năng suất lao động cao, chất lượng tốt. Muốn vậy phải áp dụng công nghệ mới, mà muốn có công nghệ mới phải có kinh phí, phải có người, công nhân vận hành kỹ thuật cao, phải có tay nghề cao. Bên cạnh đó, việc đào tạo công nhân công nghệ cao cũng phải được chú trọng hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu vận hành máy móc hiện đại.
Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, hệ thống máy móc này vẫn còn thiếu đồng bộ. Do đó, để ngành chế biến gỗ có thể bứt phá trong năm 2019 thì các DN cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ.
Là DN đang đầu tư khá bài bản cho công nghệ mới, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Sao Nam cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu USD trong năm 2019, công ty đã đầu tư nhiều hệ thông máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các thị trường. “Trước đây chúng tôi đã làm theo chuỗi nhập máy móc của Đức, chúng tôi chú trọng trong lĩnh vực ván sàn là sử dụng công nghệ của Đức, Ý, Áo. Năm nay chúng tôi cũng sẽ đầu tư theo quy trình đó, và tăng thêm máy móc để đạt được mục tiêu xuất khẩu”, bà Loan chia sẻ.
Trên thực tế không chỉ công ty Sao Nam mà đây là hướng đi mới của nhiều DN chế biến gỗ trên khắp cả nước đang đẩy mạnh triển khai. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific, ngoài đẩy mạnh trồng rừng qua liên kết với các hộ nông dân thì từ năm 2018 tới nay DN này đã bắt đầu mở rộng đầu tư với số vốn lên tới vài triệu USD. Tương tự, để đáp ứng các đơn hàng mang tính công nghiệp cao từ nhà nhập khẩu, Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA cũng vừa nhập về một chiếc máy chế biến gỗ có giá lên tới hơn 1 triệu USD.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, mặc dù so với các nhà xuất khẩu hàng đầu đến từ Đức, Ý, Ba Lan thì ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng bởi sản phẩm của các nước này đều ở phân khúc cao và dây chuyền sản xuất được tự động hóa gần như 100%. Song với việc nhiều DN đang đồng loạt nhập về các máy móc thiết bị rất hiện đại cũng như đầu tư nhiều hơn cho quản lý, sản xuất thì tương lai không xa ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, sánh tầm với những nước có nền khoa học tiên tiến.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay thì việc đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại là yêu cầu thiết yếu để các DN sản xuất và chế biến đồ gỗ mỹ nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.
Nguồn: Báo Công Thương