Ứng dụng công nghệ CBM để nâng cao hiệu quả sửa chữa, bảo dưỡng tại EVN-HCMC

Gần đây, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN-HCMC) đã phối hợp cùng Viện nghiên cứu Uniten R&D thuộc Công ty Điện lực TNB (Malaysia) để triển khai ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng lưới điện phân phối CBM. EVN-HCMC cũng là đơn vị tiên phong của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc tích hợp công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tại Hội nghị chuyên đề “Sửa chữa bảo dưỡng nguồn điện, lưới điện theo hướng tiến tiến (CBM/RCM)” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 28/05/2020, báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 1 của dự án ứng dụng CBM do EVN-HCMC thực hiện đã phản ảnh được những hiệu quả ban đầu của việc áp dụng CBM trong việc phòng ngừa sự cố, giúp tiên đoán và phát hiện trước tình trạng bất thường của thiết bị.

Sửa chữa bảo dưỡng theo thời gian hiện đang là phương pháp bảo trì truyền thống được áp dụng hầu hết cho tất cả các khối ngành kỹ thuật của EVN-HCMC. Tuy nhiên, phương pháp này còn có nhiều hạn chế về yếu tố “định kỳ”, chưa có ràng buộc về điều kiện thực tế thiết bị được bảo dưỡng. Điều này dẫn đến những lãng phí về thời gian, chi phí bảo trì cho những thiết bị vẫn còn trạng thái vận hành tốt, hoặc bị động trong bố trí nguồn lực nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường của thiết bị.

Công nghệ CBM – sửa chữa bảo dưỡng khi cần thiết được thiết kế sẽ bao gồm việc có thể chuẩn đoán tình trạng thiết bị hiện tại, thử nghiệm thiết bị tiên tiến để đưa ra giá trị chỉ số sức khỏe của thiết bị, từ đó đưa ra quyết định sửa chữa và thời điểm thực hiện một cách phù hợp. Việc ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo phương pháp CBM sẽ góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cũng như tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, CBM đã được các công ty điện lực tiên tiến của nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Một số sự cố thiết bị được phát hiện sau khi áp dụng CBM trong công tác quản lý bảo trì đều đã được tổng công ty tổ chức xử lý ngay lập tức để tái lập vận hành an toàn, không chờ đến hạn bảo trì sửa chữa định kỳ:

  • Trạm 110kV Bến Thành, phát hiện nhiệt độ cao bất thường tại đầu cosse pha B MBT T2. Kiểm tra chuyên sâu phát hiện lỏng tiếp xúc giữa các ty sứ và dây dẫn.
  • Trạm 110kV Nam Sài Gòn 1, sau khi chấm điểm CHI (chỉ số sức khỏe của thiết bị – Condition Health Index), xác định MBT T1 cần tách vận hành ngay để kiểm tra chuyên sâu. Kết quả kiểm tra ghi nhận điểm tiếp xúc giữa các mối nối dây đồng mềm với thanh đồng cứng của cuộn dây trung thế MBT có dấu hiệu bất thường gây phóng điện bên trong, phát sinh nhiệt và khí trong dầu.
  • Trạm 110kV Trường Đua và Linh Trung 2, phát hiện các giá trị thử nghiệm tang sứ MBT cao bất thường so với lần kiểm tra định kỳ 2018. Tiến hành kiểm tra chuyên sâu đã phát hiện điểm tiếp xúc xấu giữa ty sứ và đầu cosse MBT.

Đến nay, EVNHCMC đã hoàn thành chương trình đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện việc mua sắm các thiết bị chuẩn đoán, hoàn thiện các phần mềm tính toán tự động các chỉ số sức khỏe của các thiết bị, để triển khai áp dụng rộng rãi phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp CBM trên lưới điện phân phối của thành phố ngay trong năm 2020.

Văn phòng NSCL

Tin mới