Ngành sản xuất giấy không đứng ngoài cuộc trong thời đại bùng nổ công nghệ. Tối ưu hóa sản xuất theo xu hướng công nghệ 4.0, đã giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời mở ra khả năng mở rộng sản xuất cho doanh nghiệp.
Công nghệ 4.0: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, việc thực hiện cách mạng công nghệ 4.0 trên khắp các ngành, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 3.750 tỉ đồng trong 20 năm tới và tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, công nghệ cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên vật liệu.
Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), để các doanh nghiệp hội nhập vào sân chơi toàn cầu, yêu cầu đặt ra là phải nâng cấp trang thiết bị sản xuất mới có thể nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ. Thực trạng này cũng là vướng mắc chung của ngành giấy.
Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển riêng của doanh nghiệp giấy mà còn giảm sức cạnh tranh của ngành sản xuất giấy trong nước. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ngành giấy vào giai đoạn “thanh lọc” theo hướng quy mô và hiện đại hơn. Theo đó, những doanh nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, thúc đẩy ngành giấy phát triển.
Ứng dụng công nghệ trong ngành giấy
Hiện tại, nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang đã chi đến 650 triệu USD đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, cho phép sử dụng ít năng lượng và tiêu thụ nước ở mức rất thấp. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất bột giấy tại công ty sản xuất bao bì giấy Lee & Man sử dụng công nghệ xử lý giấy phế liệu tiên tiến của Mỹ với thiết bị được KBC – công ty cung cấp thiết bị sản xuất bột giấy tốt nhất thế giới cung cấp. Mặt khác, quy trình đóng gói sản phẩm cũng như hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động đã giúp nhà máy nâng cao hiệu suất hoạt động, đồng thời hạn chế những sai sót trong kỹ thuật.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong mọi quy trình sản xuất còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu tác động môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019, ông Patrick Chung – Tổng giám đốc Công ty Lee & Man Việt Nam cho biết: “Để xử lý khí thải tại nhà máy nhiệt, doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn và công nghệ xử lý khí thải lưu huỳnh bằng đá vôi, lọc bụi bằng túi vải, hệ thống xử lý Nox… Ngoài ra, công ty cũng đầu tư hàng chục tỉ đồng cho hoạt động xử lý tiếng ồn, mùi và đảm bảo chất lượng nước thải hợp quy định, với mong muốn đầu tư sản xuất an toàn môi trường hơn là lợi ích kinh doanh”.
Nguồn: thanhnien.vn