“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng để có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Vì thế, hoạt động Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong vấn đề này” – ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh.
Báo cáo tại tọa đàm về “Thực trạng hoạt động TCĐLCL của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2011-2015 và phương hướng thực hiện 2016-2020” được tổ chức tại Đồng Nai, bà Đỗ Ngọc Thanh Phương – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thời gian qua, các Chi cụ TCĐLCL trong vùng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Dự án, Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua đó đã bước đầu đã tạo được nhận thức cho doanh nghiệp về việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó Đồng Nai đã hỗ trợ cho 247 lượt doanh nghiệp về áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến và xây dựng tiêu chuẩn, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mới, đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ được 75 doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Bình Thuận hỗ trợ gần 172 triệu đồng cho 11 doanh nghiệp tham gia các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Còn Bà Rịa – Vũng Tàu đã hỗ trợ cho 93 doanh nghiệp. Bình Dương đã và đang hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp. Tây Ninh hỗ trợ cho 80 doanh nghiệp…
Ông Phạm Lê Cường – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay, từ năm 2012-2014, Trung tâm đã triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” cho các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất chất lượng đã chẩn đoán được lãng phí, từ đó đưa ra các giải pháp cải tiến tăng năng suất, giảm lãng phí, tiết kiệm được chi phí hàng năm. Điển hình như Công ty CP Nhất Nam, Công ty TNHH Long Trường Vũ (Đồng Nai) đã chẩn đoán được lãng phí gần 600 triệu đồng/năm. Công ty TNHH Nhật Tường (Bình Dương) đã tiết kiệm được gần 300 triệu đồng/năm, chỉ sử dụng các biện pháp cải tiến, kinh phí đầu tư không đáng kể. Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiết kiệm được khoảng 110 triệu đồng/năm, chỉ sử dụng các biện pháp cải tiến, kinh phí đầu tư không đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL thì hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng bởi thực tế khi vẫn còn cơ chế xin – cho thì nhiều doanh nghiệp làm ăn chưa nghiêm túc.
Ông Phạm Lê Cường cho biết thêm,doanh nghiệp không quan tâm cũng như không có nhu cầu ứng dụng các hệ thống quản lý và các công cụ năng suất chất lượng. Trong thời gian vừa qua, việc tìm kiếm doanh nghiệp rất khó khăn do tác động xấu của nền kinh tế, doanh nghiệp có nhiều mối quan tâm khác nên chưa chú trọng vào vấn đề năng suất chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng hiểu chưa rõ hoặc hiểu lầm bản chất của việc áp dụng năng suất chất lượng.
Chính vì thế, ông Trần Văn Vinh cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là hệ thống các Chi cục TCĐLCL phải đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp về sự cần thiết phải nâng cao năng suất, chất lượng để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm mới mong cạnh tranh được trên thị trường, đặc biệt là năm 2015 khi thị trường trong nước rộng mở với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập và nhiều hiệp định thương mại khác được ký kết. Hơn nữa, khi người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn thì doanh nghiệp buộc phải cải tiến đề nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành rẻ hơn. “Đây chính là chìa khóa thành công của doanh nghiệp trong nước nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp cũng như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước” – ông Vinh nhấn mạnh. Để làm tốt việc này, ông Vinh cho biết, thời gian tới cùng với việc đào tạo các chuyên gia địa phương, tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp về vấn đề này thì cần nhân rộng các chuyên gia để đào tạo và tuyên truyền cho các doanh nghiệp.
L.Hương_dost-dongnai.gov.vn