Tuyên quang: Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ

Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt đang hội nhập sâu rộng và không ngừng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, việc đổi mới công nghệ là vô cùng cần thiết để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng và tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường.

Là một trong những địa phương luôn chú trọng đến việc phát triển khoa học công nghệ, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về cơ chế hỗ trợ , khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho khoa học kĩ thuật với nguồn kinh phí từ 10-40% giá trị đầu tư và nghiên cứu tùy thuộc vào loại hình.

Đây là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhờ đổi mới công nghệ nên đã tận dụng được nguyên liệu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo dựng được hình ảnh và uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng như các doanh nghiệp sản xuất bột giấy, năng lượng, vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản…

Hiệu quả đổi mới công nghệ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời điểm hiện nay phải kể đến là các doanh nghiệp chế biến nông sản. Những năm gần đây, việc cổ phần hóa các công ty chế biến nông sản đã tạo cú huých đáng kể đối với bản thân các doanh nghiệp trong việc định hình sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Một loạt các doanh nghiệp đã tập trung nguồn lực, đầu tư công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại như các công ty: Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương… Đặc biệt, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh, Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang) đầu tư máy, thiết bị thực hiện dự án xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể Mật ong Tuyên Quang.

Hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp trên đều tăng từ 10% – 15% so với trước. Công ty cổ phần Chè Sông Lô đã đầu tư máy tách cẫng chè xanh bằng màu, máy đóng túi chân không, máy sao chè, máy sao tạo hình. Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đã đầu tư thực hiện công nghệ tưới nhỏ giọt trong canh tác mía theo hướng thâm canh tăng năng suất trên địa bàn tỉnh… Ngày 16-4-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chứng nhận Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang – VVMI, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) được Thủ tướng Chính phủ tặng giải Bạc chất lượng Quốc gia năm 2017. Đây là kết quả nỗ lực không ngừng của công ty về công tác quản lý, vận hành nhà máy sản xuất xi măng công suất 910.000 tấn xi măng/năm. Giải thưởng đã góp phần nâng cao năng lực vật chất, kỹ thuật của các doanh nghiệp nói chung và Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang – VVMI nói riêng trong tiến trình tăng cường sự hội nhập kinh tế của đất nước với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn các doanh nghiệp quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện công tác công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng các cơ chế chính sách.

Văn phòng NSCL tổng hợp

 
Tin mới