Việc không bảo trì thiết bị có thể dẫn đến những vấn đề lớn và gây tốn kém cho nhà sản xuất. Do vậy, các nhà sản xuất đang quan tâm nhiều hơn đến vấn từ Bảo trì tự chủ để cố gắng giảm rủi ro liên quan đến máy hỏng, đồng thời cải thiện năng suất và kéo dài tuổi thọ của thiết bị.
Bảo trì tự chủ tập trung vào phát triển các kỹ năng của người vận hành để thường xuyên chăm sóc thiết bị và phát hiện kịp thời những bất thường của thiết bị. Người vận hành được quyền sở hữu thiết bị nên phải chịu trách nhiệm thực hiện công việc bảo trì liên tục như làm sạch, bôi trơn và kiểm tra.
Để đạt được Bảo trì tự chủ, người vận hành cần được đào tạo về các lỗi tiềm ẩn và các dấu hiệu cho thấy thiết bị sắp hỏng. Với việc huấn luyện và đào tạo phù hợp, người vận hành sẽ được trao quyền để luôn giữ cho thiết bị của họ được sạch sẽ và hoạt động tốt, từ đó giảm thời gian máy hỏng và cải thiện năng suất hoạt động của thiết bị.
Để bảo đảm thực hiện Bảo trì tự chủ thành công, hãy làm theo các bước sau:
- Theo dõi dữ liệu máy hỏng. Đó là cơ sở cho các hoạt động bảo trì và nó cho biết thiết bị nào cần được chú ý nhất. Như vậy, cần thu thập dữ liệu và tiến hành phân tích tìm nguyên nhân gốc rễ của các sự cố của các máy móc khác nhau. Xây dựng biểu đồ dữ liệu này theo thời gian để cung cấp thêm thông tin.
- Thiết lập các số liệu để theo dõi hiệu quả tổng thể của việc sửa chữa và bảo trì thiết bị của bạn. Một số số liệu cần đo lường như: Thời gian trung bình giữa hai lần máy hỏng, thời gian trung bình để sửa chữa. Bằng cách phân tích các dữ liệu này, chúng ta có thể dự đoán và ngăn ngừa sự cố, giảm thiểu thời gian chết do sửa chữa và từ đó tăng thời gian dành cho sản xuất.
- Xác định và ghi lại tất cả các thành phần bị hao mòn hoặc thường xuyên bị hỏng. Sử dụng các thiết bị cảm biến như phân tích dầu, đo nhiệt, siêu âm hoặc phân tích rung động để có được những hiểu biết bổ sung về sự cố của thiết bị.
- Thiết lập một quy trình chuẩn để tạo ra phiếu đề nghị bảo dưỡng. Phiếu này nên được dựa trên lịch bảo trì. Ngoài ra, mỗi thiết bị cần có nhật ký để ghi lại mọi trường hợp hỏng hóc hoặc thay thế linh kiện. Có thể sử dụng phần mềm CMMS (Giải pháp quản lý bảo trì thiết bị) để hỗ trợ cho việc này.
- Xác định các chi tiết, vị trí máy cần thực hiện Bảo trì tự quản và Bảo trì có kế hoạch. Bảo trì có kế hoạch cho phép việc bảo trì được thực hiện trong thời gian thiết bị không có lịch sản xuất, giúp giảm đáng kể thời gian ngừng máy ngoài kế hoạch.
- Sử dụng Bảo trì tiên đoán dựa trên điều kiện thực tế. Để bắt đầu, hãy thiết lập đường cơ sở cho các thành phần dễ bị lỗi. Sau đó tạo một lịch trình bảo trì theo kế hoạch dựa trên thời gian chạy máy (không phải là thời gian theo lịch), chủ động lên lịch thay thế tất cả các bộ phận dễ bị hao mòn.
- Duy trì và tiếp tục thực hành hoạt động bảo trì. Trên cơ sở hàng tháng, đánh giá lịch bảo trì theo kế hoạch. Xác minh xem các trang nhật ký bảo trì có được cập nhật và xem xét mọi mục nhập mới. Lịch bảo trì sẽ phải được cập nhật khi cần thiết. Trong suốt quá trình đánh giá này, hãy giữ mọi thứ tích cực và tạo động lực để khuyến khích người lao động duy trì các nỗ lực bảo trì của họ.
Tất cả các nhà sản xuất đều có mục tiêu hàng ngày, hàng tháng và hàng năm. Mục tiêu không thể đạt được nếu thiết bị không hoạt động tốt. Để đảm bảo giao hàng đúng tiến độ, giảm chi phí sửa chữa và duy trì hoạt động của thiết bị trong nhiều năm tới, hãy hướng những người vận hành đi theo con đường Bảo trì tự chủ.
Văn phòng NSCL biên dịch