Hiện nay, khoảng 99% số giày thể thao (sneaker) bán tại Mỹ được sản xuất ở nước khác, do sản xuất giày là một ngành cực kỳ thâm dụng lao động nhưng chi phí nhân công ở Mỹ thì lại đắt đỏ.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang Mỹ đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là ảnh hưởng của xu hướng thời trang ‘ăn liền’ (fast fashion) buộc các thương hiệu phải tung ra các mẫu thiết kế mới nhanh hơn trước đây. Những thương hiệu giày như Nike hay Adidas đang tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường Mỹ nhanh hơn, thay vì phải mất thời gian đặt hàng và chờ đợi các lô hàng từ châu Á như hiện nay.
Giải pháp hữu hiệu ở đây là đưa hoạt động sản xuất giày quay lại Mỹ, nhưng phải tìm được cách cắt giảm chi phí. Do chi phí lớn nhất là tiền lương của công nhân, việc cắt giảm số lượng nhân sự là một điều bắt buộc phải làm. Đây chính là cơ hội để tận dụng các công nghệ tự động hóa và robot.
Chẳng hạn, Adidas đang xây dựng một nhà máy sản xuất cấp tốc (speedfactory) tại thành phố Atlanta. Nhà máy này sẽ có công suất 50.000 chiếc giày trong năm 2017 và được kỳ vọng có thể lên tới 500.000 chiếc mỗi năm.
Matt Powell, một chuyên gia phân tích tại NPD, nói: “Đó chỉ như một giọt nước đổ vào bể. Tôi không thấy được khi nào chúng ta có thể sản xuất giày tại Mỹ với quy mô thương mại”.
Điều đáng chú ý là nhà máy của Adidas sẽ chỉ cần 160 lao động, nghĩa là mỗi nhân công tại đây có thể đạt năng suất bình quân hơn 3000 đôi giày / năm khi nhà máy hoạt động ở công suất tối đa. Đây là một bước cải thiện đáng kể so với năng suất bình quân tầm 600-1.100 đôi giày / năm của các công nhân sản xuất giày ở châu Á.
Công nghệ tự động hóa sẽ khiến cho các việc làm sản xuất khó quay trở lại nước Mỹ, song điều này không đồng nghĩa rằng số việc làm tại Mỹ sẽ không thể gia tăng.
Các ngành phân phối, bán hàng, tiếp thị, bán lẻ và giao hàng là cực kỳ cần thiết để hỗ trợ đầu ra cho nhà máy, đó là nhận xét từ Michael Raphael, nhà sáng lập của công ty dịch vụ in 3D Direct Dimensions thuộc hãng giày Under Armour.
“Bạn cũng cần phải có một chuỗi cung ứng để vận hành nó”, Raphael nói với Bloomberg. Do đó, việc mở thêm những nhà máy sản xuất ở Mỹ sẽ tạo thêm việc làm cho các ngành kể trên.
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn