Dù chỉ học trung cấp nghề mộc nhưng anh Nguyễn Hữu Phúc ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh đã tự mày mò nghiên cứu các loại máy móc, cho ra đời nhiều sáng kiến có giá trị.
Anh Nguyễn Hữu Phúc (SN 1983) – công nhân Công ty CP An Hồng (thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) hiện là Tổ trưởng Tổ Phôi. 12 năm trước, khi mới bước chân vào công ty, anh chỉ là chàng trai trẻ với tấm bằng trung cấp nghề mộc.
Công ty những ngày đầu mới thành lập cũng hết sức khó khăn khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.
Ngoài cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh Phúc đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ngoài giờ làm việc để tự mày mò học hỏi về tính năng của các loại máy móc và cải tiến chúng cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.
Anh Phúc cho biết: “Các loại máy móc với thiết kế nguyên bản, đôi khi không phù hợp với tình hình thực tế sản xuất của công ty khiến năng suất không cao, tốn kém thời gian và nhân lực. Tôi đã tự mày mò học bằng cách nghiên cứu thật kỹ cuốn catalogue hướng dẫn sử dụng của các loại máy, tìm hiểu thêm qua sách vở chuyên ngành kỹ thuật và internet để có thể hiểu được tính năng, nguyên lý hoạt động của từng loại máy”.
Sau một thời gian vừa làm vừa tự học, anh Phúc đã “chinh phục” được hầu hết các loại máy có trong nhà xưởng. Tiêu biểu như chiếc máy cưa đĩa đẩy tay đơn thuần đã được anh cải tiến thêm một số chi tiết kỹ thuật để cho ra đời chiếc máy cưa đĩa đa năng có thể thao tác được các kỹ thuật phức tạp như cắt định hình, cắt góc, cắt độ, khoét cong, tiện…
Để giảm thời gian, công sức và tăng chất lượng sản phẩm từ gỗ, anh Phúc cũng đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật ép gỗ thẳng thành gỗ cong. Sáng kiến này nhằm chống độ cong vênh của gỗ theo nguyên lý co nở, giúp cho thành phẩm có độ chính xác, sắc nét hơn.
Anh Phúc chia sẻ: “Cải tiến kỹ thuật không đơn thuần là làm lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất mà còn phải hướng đến quyền lợi của khách hàng”.
Cũng từ phương châm làm việc đó, anh Phúc được lãnh đạo công ty tin tưởng giao nhiệm vụ thiết kế, chế tạo sản phẩm mẫu để sản xuất đại trà. Những sản phẩm mẫu của anh Phúc luôn được đánh giá cao về kỹ thuật và thẩm mỹ với các cải tiến theo hướng an toàn, thân thiện với khách hàng.
Phó Giám đốc Công ty Lê Thị Kim Hòa cho biết: “12 năm làm việc tại công ty, chúng tôi đánh giá cao trình độ chuyên môn và đặc biệt cảm phục anh Phúc ở tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Những sáng kiến của anh đã làm lợi rất nhiều cho quá trình sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường”.
Ngoài hoàn thành xuất sắc vai trò Tổ trưởng Tổ Phôi, quản lý 40 công nhân, anh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật mới, truyền đạt kinh nghiệm cho các anh chị em trong công ty. Anh Phúc được mọi người yêu quý bởi sự nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ và đóng góp hết mình cho tập thể.
Tuy vậy, anh vẫn khiêm tốn cho rằng: “Những thành công hôm nay của tôi là nỗ lực của cả tập thể anh chị em công nhân và lãnh đạo công ty. Tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ bé công sức, trí tuệ của mình để xây dựng công ty ngày càng lớn mạnh hơn”.
Ghi nhận những đóng góp của anh Phúc trong phong trào thi đua lao động sáng tạo, lãnh đạo Công ty CP An Hồng và LĐLĐ huyện Nghi Xuân đã đề xuất LĐLĐ tỉnh biểu dương tại hội nghị điển hình tiên tiến trong công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 sẽ được tổ chức thời gian tới.
Công ty CP An Hồng được thành lập năm 2005, hiện có trên 70 lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thiết bị trường học, nội thất văn phòng, gia đình… từ gỗ; doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng/năm. Công đoàn công ty thành lập năm 2016, hoạt động khá tích cực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và hàng chục người lao động trong công ty. |
Nguồn: baohatinh.vn