Công cụ quản lý chất lượng toàn diện TQM theo John L. Hradesky là “một triết lý, là một hệ thống các công cụ và là một quá trình mà sản phẩm đầu ra của nó phải thỏa mãn khách hàng và cải tiến không ngừng”. Theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 8402:1994 thì: “Quản lý chất lượng toàn diện –TQM là cách quản lý một tổ chức tập trung vào chất lượng, dựa trên sự tham gia của tất cả các thành viên nhằm đạt được sự thành công lâu dài nhờ việc thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi ích cho các thành viên của tổ chức đó và cho xã hội”. Triết lý của TQM là “làm đúng ngay từ đầu”, chú trọng ngăn ngừa phế phẩm để không phải tiến hành kiểm tra quá nhiều và người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm chính là những người làm ra sản phẩm, người đứng máy, tổ trưởng sản xuất, khâu giao nhận hàng, cung ứng… tùy từng trường hợp cụ thể.
TQM được cấu thành từ 4 yếu tố, bao gồm:
Đối với các doanh nghiệp, áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TQM đã và đang cho thấy nhiều lợi ích mang lại như: (1) Tiết kiệm được chi phí do giảm được các sản phẩm không phù hợp (2) Duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm; (3) Nâng cao năng suất lao động; tăng cường vị thế và uy tín cho doanh nghiệp; (4) Mở rộng quan hệ quốc tế, liên doanh, liên kết; tăng khả năng thắng thầu đối với các dự án cho điều kiện dự thầu khắt khe; (5) Xây dựng được phong cách làm việc khoa học có tính hệ thống; dễ dàng giám sát ở mọi lúc, mọi nơi; (6) Tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý vĩ mô áp dụng quản lý chất lượng là điều kiện tiên quyết lâu dài đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển trong tương lai khi xu thế hội nhập kinh tế thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù TQM đem lại nhiều lợi ích như vậy, nhưng tại sao thay vì áp dụng công cụ TQM, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng thi đua áp dụng và chứng nhận hệ thống đảm bảo chất lượng theo ISO 9000?
Đâu là khó khăn khiến doanh nghiệp e ngại trong việc áp dụng công cụ TQM?
Nguyên nhân đầu tiên là do doanh nghiệp thiếu kiến thức về quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến chất lượng. Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp đều hiểu rằng để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì cần phải quản lý tốt ở các khâu, các quá trình và các bộ phận, tuy nhiên việc quản lý đó như thế nào, áp dụng tiêu chuẩn hay các công cụ nào thì các nhà lãnh đạo cũng không thể nắm rõ được hết. Do đó, khi triển khai TQM trong các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu là từ việc chỉ đạo không sát sao của ban lãnh đạo trong quá trình triển khai. Mặt khác, trong TQM, lãnh đạo chỉ có thể kiểm soát được quá trình hoạt động khi họ đã tạo ra được một hệ thống và không khí trong đó cấp dưới có thể tự kiểm soát được; có thể tạo ra được những cơ chế để cung cấp những tiêu chuẩn hoạt động rõ ràng trên mọi lĩnh vực, được hỗ trợ bằng những bản mô tả phù hợp về nội dung công việc.
Để khắc phục những nhân tố cản trợ hoạt động trôi chảy trong tổ chức, cần phải xây dựng một ma trận trách nhiệm cho tổ chức, trong đó nêu rõ các cấp quyền lực, trách nhiệm và mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân. Ngoài ra, việc trang bị cho người lao động các công cụ để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn ở mức hạn chế. Những người công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ hạn chế, hầu hết đều là công nhân phổ thông và học nghề nên việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc đào tạo của doanh nghiệp hay bên ngoài cũng chưa được phù hợp cho đối tượng người học là những người công nhân này dẫn đến việc họ tham gia vào các hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Hai là, môi trường làm việc nhóm của người lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Mọi người vẫn chưa quen với việc làm việc nhóm và thường thích làm việc một cách độc lập trong công việc. Trong khi đó, TQM cần huy động sự tham gia của tất cả mọi người vào hoạt động cải tiến chất lượng thông qua hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng. Thông qua nhóm chất lượng, những vấn đề liên quan được giải quyết và đề xuất cải tiến được chuyển lên cấp cao nhất. Ngoài ra, khi áp dụng TQM, doanh nghiệp phải thành lập một nhóm dự án để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Nhóm này bao gồm các thành viên đến từ những bộ phận khác nhau và thường ở cấp bậc khá cao. Để hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng và nhóm dự án đạt hiệu quả cao đòi hỏi doanh nghiệp phải trang bị kỹ năng làm việc nhóm cho các thành viên trong công ty, điều này cần sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như một khoảng thời gian nhất định.
Ba là, áp dụng TQM khó hơn áp dụng ISO 9001, đặc biệt là tại các tổ chức nhỏ. Về yêu cầu cải tiến và nâng cao chất lượng, phương châm hoạt động của ISO 9001 là duy trì chất lượng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Dựa trên cơ sở là các tiêu chuẩn đã được định sẵn, ưu điểm của nó là tính ổn định cao ít biến động. Trong khi đó, phương châm hoạt động của TQM là cải tiến chất lượng của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, nó luôn luôn phải thay đổi để bắt kịp với nhu cầu của khách hàng, thích ứng nhanh với sự thay đổi để thỏa mãn nhu cầu và vượt qua sự mong đợi của khách hàng. Hiện nay, tại Việt Nam hệ thống TQM vẫn còn khá mới mẻ, việc quản lý chất lượng vẫn chủ yếu ưu tiên theo hệ thống ISO 9001. Tuy nhiên, việc áp dụng ISO vẫn cho thấy một số bất cập trong hệ thống này. Trong tương lai, việc kết hợp áp dụng cả hai hệ thống ISO 9001 và TQM sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực hơn nữa trong hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo: 1. Quản lý chất lượng trong các tổ chức. Tạ Thị Kiều An – Ngô Thị Ánh – Nguyễn Văn Hóa – Nguyễn Hoàng Kiệt – Đinh Phượng Vương. NXB Thống kê, 2004. 2. Đề tài ISO và Quản lý Chất lượng Toàn bộ.