Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, cung cấp sợi với tầm nhìn dài hạn là phấn đấu trở thành doanh nghiệp đứng đầu ngành dệt may Việt Nam, thông qua thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất nguyên vật liệu cho ngành hàng may mặc.
Từ tháng 07 năm 2018 công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam tham gia chương trình thực hiện TPM (Duy trì hiệu suất tổng thể) với các trụ cột Bảo trì tự quản (AM), trụ cột Giáo dục và Đào tạo, trụ cột Bảo trì theo kế hoạch (PM), trụ cột Cải tiến tập trung (FI). Đây là Chương trình hỗ trợ thực hiện TPM của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương.
Trước đó, Thiên Nam đã duy trì tốt các hoạt động thực hành tốt 5S tại công ty và được Bộ Công Thương cấp chứng nhận hoàn thành xuất sắc. Dựa trên nền tảng chương trình 5S đang áp dụng, công ty quyết tâm thực hiện tốt Chương trình TPM nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động sản xuất tại công ty, hướng tới mục tiêu không phế phẩm, không sự cố dừng máy, không hao hụt và không tai nạn.
Tham gia Chương trình hỗ trợ thực hiện TPM của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, công ty đã được hỗ trợ gồm:
Giai đoạn 1: 03 tháng đầu, ban TPM tập trung kiểm tra, cải tiến các Biểu mẫu và Hồ sơ về AM và PM, Biểu mẫu Đào tạo và biểu mẫu thu thập số liệu tính OEE
Nội dung kiểm tra/ Hướng dẫn việc áp dụng thực tế các tài liệu theo TPM bao gồm:
– Checksheet kiểm tra hàng ngày
– Hướng dẫn vận hành máy
– Tiêu chuẩn bảo dưỡng
– Lý lịch thiết bị
– Xử lý sự cố
Giai đoạn 2: Ban TPM tập trung vào các hoạt động triển khai TPM tại hiện trường và hoạt động Đào tạo.
Đào tạo và hướng dẫn về trụ cột AM: Giới thiệu về trụ cột AM và 7 bước thực hiện. Hướng dẫn và thực hành về cách gắn thẻ đỏ, làm hình ảnh trước sau B&A, Bài học một điểm.
Đào tạo và hướng dẫn về trụ cột FI (Cải tiến tập trung): Giới thiệu các bước thực hiện FI. Từ số liệu ghi chép, đưa ra chủ đề cải tiến.
Ngoài ra, các trụ cột Đào tạo và trụ cột Bảo trì có kế hoạch (PM) được công ty thực hiện mạnh mẽ, ngoài việc tham khảo các góp ý của tư vấn trong giai đoạn 1, công ty còn áp dụng phần mềm để quản lý hiệu quả.
Tháng 10 năm 2019, sau hơn một năm áp dụng, kết quả đánh giá TPM cho thấy điểm đánh giá đạt 83% (Đạt) với các mục đánh giá về: (1) Mục tiêu TPM; (2) cách thức thực hiện TPM; (3) Trụ cột bảo trì tự quản AM; (4) Trụ cột Bảo trì có kế hoạch PM; (5) Trụ cột Giáo dục và Đào tạo; (6) Trụ cột Cải tiến tập trung FI.
Kết quả
Sau buổi đánh giá, Điều phối viên chương trình TPM đã tổng kết các kết quả đã đạt được, ghi nhận lợi ích mà hoạt động TPM mang lại cho nhà máy và khả năng nhân rộng. Dự kiến, Thiên Nam sẽ tiếp tục triển khai TPM và mở rộng sang các nhà máy khác.
Nguồn: Vụ KH&CN