Thúc đẩy áp dụng mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là một trong các nội dung trọng tâm của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong khuôn khổ chương trình năng suất chất lượng quốc gia, 06 mô hình điểm đầu tiên áp dụng Mizusumashi và Kamishibai với 10 nghiên cứu điển hình thành công.
Vài nét về Mizusumashi
Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công nhân viên thường được giao nhiều nhiệm vụ để hoàn thành công việc, trong đó có nhiều việc có thể cản trở họ thực hiện tốt công việc chuẩn. Mizusumashi đóng vai trò quản lý cao nhất, điều hành mọi công việc trong dây chuyền sản xuất đồng thời chịu trách nhiệm mọi hoạt động của chuyền, phạm vi trước cấp quản lý cao hơn. Mizusumashi thuộc nhóm công cụ hỗ trợ sản xuất đúng lúc – Just in time, từ đó góp phần đảm bảo ổn định sản xuất. Mizusumashi áp dụng thành công khi mà công việc thuộc phạm vi áp dụng phải được chuẩn hóa và có quy trình rõ ràng, gắn liền với trách nhiệm. Các công việc cần được chuẩn hóa trước hoặc trong quá trình triển khai công cụ này.
Mizusumashi không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm, vị trí này cũng đòi hỏi khả năng học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là các công cụ sản xuất tinh gọn. Vị trí này đòi hỏi cá nhân đó cần học hỏi liên tục để nắm rõ cách thức khu vực sản xuất vận hành, hiểu công việc của tất cả mọi công nhân viên thuộc phạm vi áp dụng, cũng như những thách thức mà công nhân viên đó có thể gặp phải trong công việc hàng ngày.
Do vậy, nhìn xa hơn, một Mizusumashi đúng nghĩa có thể sẽ là trưởng nhóm, giám sát hoặc trở thành người quản lý sau này. Lựa chọn một cá nhân có tiềm năng không những sẽ giúp họ làm tốt công việc quan trọng này, mà còn đặt họ ở vị trí tốt để có tạo giá trị tốt hơn trong tương lai. Ngoài ra, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng như một người điều phối sản xuất tinh gọn, có thể quan sát toàn bộ hệ thống sản xuất, nhận diện mỗi vấn đề có liên quan tại mỗi khu vực để khắc phục và hài hòa với toàn bộ hệ thống.
Vài nét về Kamishibai
Một doanh nghiệp áp dụng một lúc nhiều hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng, sản xuất tinh gọn thì Kamishibai là lựa chọn phù hợp cho việc thực hiện cải tiến và duy trì trong cả ngắn hạn và lâu dài.
Thực tế, một doanh nghiệp thường áp dụng nhiều công cụ/mô hình cải tiến như 5S, TPM, TQM, … để mang lại những hiệu quả về nâng cao năng suất chất lượng, giảm chi phí. Quá trình triển khai áp dụng này sẽ gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng khó khăn thách thức lớn nhất là duy trì kết quả triển khai một cách bền vững. Để duy trì hiệu quả, các doanh nghiệp thường chọn giải pháp xây dựng cơ chế “đánh giá, kiểm tra” mong muốn quá trình đánh giá này có thể giúp cung cấp thông tin cũng như tạo thói quen để mô hình được thực hiện trên cơ sở thường xuyên và chính xác. Kamishibai là lựa chọn phù hợp với phương pháp sử dụng thẻ/bảng hình ảnh trong quản lý sản xuất, được phát triển và sử dụng trong hệ thống sản xuất của Toyota, như một công cụ đánh giá quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Kết quả của việc áp dụng Kamishibai được thể hiện hoàn toàn bằng hình ảnh nên rất dễ dàng cho các cấp quản lý/giám sát/cán bộ công nhân viên có liên quan có thể quan sát, kiểm tra và nhận biết được vai trò, trách nhiệm của chính mỗi người trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo người Nhật, văn hóa Kamishibai là văn hóa tôn trọng (Culture of Respect): Doanh nghiệp cần áp dụng văn hóa “TẠI SAO”, không phải văn hóa “AI”. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp áp dụng Kamishibai cần quan tâm đến quá trình thông suốt chứ không quan tâm đến trách nhiệm, qua đó việc kiểm tra, đánh giá theo Kamishibai tại doanh nghiệp sẽ hướng đến lợi ích chung của doanh nghiệp. Bất cứ vấn đề nào cũng được nhìn nhận một cách nghiêm túc và giải quyết triệt để. Đó là lý do vì sao không chỉ người quản lý, ngay cả một công nhân bình thường cũng có thể cho dừng toàn bộ dây chuyền nếu phát hiện ra sai sót. Kamishibai sẽ giúp hình thành nên văn hóa công ty: văn hóa ứng xử giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa các nhân viên với nhau; sự tiết kiệm; sự bảo vệ thương hiệu của công ty; sự cố gắng hết mình cho công việc; tinh thần học hỏi lẫn nhau.
Đối với tất cả các những cán bộ công nhân viên có liên quan đến Kamishibai tại doanh nghiệp cần phải đảm bảo tinh thần Kaizen trong suốt quá trình triển khai, theo đó trong quá trình giám sát/kiểm tra người thực hiện luôn xác định đến những cải tiến. Triết lý Kaizen trong Kamishibai là “Làm cho nó tốt hơn, chế tạo ra nó tốt hơn, bởi vì nếu chúng ta không làm, chúng ta không thể cạnh tranh với những cái của người khác làm”.
Nguồn: dntm.vn