Triển khai hiệu quả năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp

Cải tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore …áp dụng rất thành công. Nhằm giúp các doanh nghiệp Khu vực phía Nam nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng, cuối tháng 2/2015, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Trung tâm Kỹ thuật 3) đã tổ chức Hội thảo “Áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại tổng Công ty, Tập đoàn”. Hội thảo đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp, các Tổng công ty, Tập đoàn tham gia.

Để cung cấp thêm thông tin đến các doanh nghiệp về Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ ban hành thực hiện từ năm 2010 đến nay, PV Bản tin Lean 6 Sigma đã có trao đổi với ông Nguyễn Đào Duy Tài, Giám đốc Trung tâm Năng suất Chất lượng, Trung tâm Kỹ thuật 3.

Thưa ông, ông có thể giới thiệu qua về Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam” để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và sâu hơn về Chương trình này? Ông Nguyễn Đào Duy Tài: Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt vào ngày 21 tháng 5 năm 2010 tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg. Mục tiêu của Chương trình bao gồm:

a) Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; b) Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, khả năng cạnh tranh của các DN đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Như vậy, mục tiêu chính của chương trình này là hỗ trợ các DN áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như: Sản xuất tinh gọn-Lean manufacturing, Quản lý năng suất toàn diện -TPM; Hệ thống thẻ điểm cân bằng BSC, 5S, và các hệ thống quản lý khác như: ISO 50001, ISO 31000, ISO 27001, ISO 22000, ISO 9001… Song song đó, Chương trình 712 cũng đã và sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam, cũng như đào tạo kiến thức về các văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn này cho các DN…Mục tiêu sâu xa hơn của chương trình này là tạo đà phát triển về năng suất và chất lượng cho các loại sản phẩm, hàng hóa chủ lực của DN và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường trong nước và cả quốc tế.

Đánh giá của ông về Chương trình này đã đem lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp? Ông Nguyễn Đào Duy Tài: Đến nay, chương trình năng suất chất lượng nói trên đã đi được nửa chặng đường (giai đoạn 1: 2010-2015). Trong giai đoạn 1, chủ yếu là nâng cao nhận thức của các DN về năng suất chất lượng. Bên cạnh đó, một số lợi ích thiết thực khác cũng đã mang lại cho DN. Điều quan trọng là thông qua chương trình này, DN có thể gia tăng được năng suất chất lượng, giảm các lãng phí và nhân công của DN, và học hỏi được những kinh nghiệm triển khai các công cụ năng suất chất lượng. Một số DN tham gia vào chương trình này, ngoài việc có được hệ thống quản lý bài bản theo năng lực và sự cần thiết, DN còn tiết kiệm được chi phí và nâng cao năng suất lao động.

Điển hình như, Công ty CP Bê tông 620 Bình Minh (nay đổi thành Châu Thới) tiết kiệm được khoảng 3,5 tỷ đồng do giảm các lãng phí trong quá trình sản xuất và kinh doanh sau 18 tháng áp dụng. Chương trình này được hỗ trợ của UBND tỉnh Vĩnh Long thông qua Chương trình năng suất chất lượng của Tỉnh. Cũng từ Chương trình này, Cơ sở Sản xuất Hòa Hiệp đã gia tăng năng suất lao động lên hơn 30% sau khi áp dụng Chương trình năng suất chất lượng. Còn nhiều ví dụ nữa về những lợi ích hữu hình cũng như vô hình mà DN nhận được thông qua Chương trình nâng cao năng suất chất lượng này. Các DN Việt Nam, khi có được các Giấy Chứng nhận Hệ thống, sẽ quản lý các quá trình của DN một cách bài bản và xa hơn nữa là tạo được niềm tin chất lượng sản phẩm và giá cả đối với các khách hàng tại các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc …

Trung tâm Năng suất Chất lượng của Trung tâm Kỹ thuật 3 đóng vai trò như thế nào trong việc triển khai Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam” đến các DN? Chương trình đã được Trung tâm triển khai ra sao? Ông Nguyễn Đào Duy Tài: Cùng với các đơn vị khác, Trung tâm NSCL-Trung tâm Kỹ thuật 3 đã và đang tham gia tích cực vào việc hỗ trợ cho các Sở, Ban ngành triển khai Chương trình năng suất chất lượng tại các Tỉnh/Thành. Trung tâm đã hỗ trợ cho các Tỉnh/Thành trong việc soạn thảo các dự án năng suất chất lượng để trình UBND và Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt. Đây là dịp để các Sở, Ban ngành đánh giá và xây dựng bức tranh thực tế về năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của các DN ở địa phương, thành phố có các giải pháp khả thi để nâng cao năng suất chất lượng. Tính đến nay, ngoài các chương trình hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm đã hỗ trợ các DN tại các Tỉnh/Thành ứng dụng các hệ thống quản lý cũng như các công cụ nâng cao năng suất chất lượng. Bình quân mỗi năm, Trung tâm đã cung cấp giải pháp hỗ trợ cho 60 doanh nghiệp đạt được Giấy Chứng nhận các hệ thống quản lý và 10 DN thực hiện chương trình nâng cao năng suất chất lượng như: 5S, Kaizen, cân bằng chuyền, chuyển đổi sản xuất nhanh, giảm lãng phí, BSC…

Sau triển khai Chương trình đến các DN, ông có những ghi nhận và đánh giá như thế nào về hiệu quả triển khai Chương trình này tại các doanh nghiệp? Ông Nguyễn Đào Duy Tài: Các hiệu quả hữu hình và vô hình về áp dụng Chương trình năng suất chất lượng như đã trình bày ở trên. Việc hỗ trợ của Nhà nước và của Ủy ban Nhân dân từng Tỉnh/Thành chỉ là động lực ban đầu để giúp DN tăng tốc trên con đường nâng cao năng suất chất lượng. Một số DN tiếp tục duy trì chương trình này để phát triển và hướng đến mục tiêu giảm lãng phí và nâng cao năng suất chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn các DN sau khi được hỗ trợ lại thiếu nguồn nhân lực để tiếp tục duy trì chương trình này.

Những dự kiến của Trung tâm NSCL – Trung tâm Kỹ thuật 3 về Chương trình sẽ tiếp tục được triển khai đến các doanh nghiệp trong năm 2015 là gì? Ông Nguyễn Đào Duy Tài: Trong năm 2015, theo chương trình hỗ trợ của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng- Bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm sẽ triển khai dự án “Áp dụng điểm mô hình ứng dụng hệ thống quản lý tích hợp và bộ công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại 03 Tổng công ty”, với ký mã hiệu: 03.3/2015-DA2. Ở dự án này, Trung tâm NSCL-Trung tâm Kỹ thuật 3 kỳ vọng sẽ tìm được mô hình quản lý thích hợp cho Tập đoàn, tổng Công ty và hỗ trợ Tập đoàn, tổng Công ty nâng cao một bước năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh. Chúng tôi nhận thấy, Tập đoàn, Tổng Công ty đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào ngân sách của nhà nước, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có chương trình để hỗ trợ về năng suất chất lượng cho các tập đoàn và Tổng Công ty nhằm tạo tiền đề phát triển và làm mô hình cho các Tập đoàn, Tổng Công ty còn lại. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp tục hỗ trợ cho các Sở Khoa học Công nghệ tiếp tục triển khai chương trình Năng suất chất lượng. Ngoài các tỉnh đã triển khai sớm như: Kiên Giang, Cà mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Lâm đồng các tỉnh khác sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình năng suất chất lượng để kết thúc giai đoạn một như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Khánh Hòa…

Để áp dụng Chương trình hiệu quả, ông có nhắn gửi gì đến các doanh nghiệp? Ông Nguyễn Đào Duy Tài: Dựa vào những kinh nghiệm đã triển khai cho một số DN, chúng tôi muốn nhắn gửi đến các DN nói chung và các Tập đoàn, Tổng Công ty nói riêng 3 điều như sau: 1. Tận dụng cơ hội: Hỗ trợ của Trung ương và địa phương trong Chương trình năng suất chất lượng chỉ là một bước nhỏ trong chặng đường phát triển năng suất chất lượng đầy khó khăn. DN hãy tận dụng cơ hội này để tạo thành bước nhảy đột phá trên con đường mới trong tương lai. DN hãy thay đổi tư duy về mức độ hỗ trợ của Nhà nước, địa phương. Đừng suy nghĩ, năng suất chất lượng là vấn đề thứ yếu và kinh doanh ra tiền mới là vấn đề cần chú trọng! Hãy tưởng tượng, nếu chất lượng sản phẩm yếu và năng suất thấp thì DN liệu có còn đứng vững trên thị trường?! 2. Ứng dụng các Công cụ quản lý mới: Phần lớn các DN Việt Nam cập nhật chưa kịp các công cụ quản lý mới. Việc quản lý chỉ dựa vào các kinh nghiệm có được qua quá trình sản xuất kinh doanh. Việc chậm áp dụng các công cụ quản lý mới cũng như các công cụ nâng cao năng suất chất lượng sẽ làm DN trở nên lạc hậu so với các DN cùng ngành trên thế giới. Các DN thường không có số liệu về năng suất cũng như các lãng phí trong DN, vì vậy không có cơ hội để cải tiến. Hãy bắt đầu quản lý bằng các số liệu và cải tiến dựa vào các số liệu đó để nâng tầm năng suất chất lượng của DN. 3. Chuẩn bị nguồn lực thỏa đáng: DN hãy chuẩn bị nguồn lực phù hợp để tiếp thu các kiến thức và kinh nghiệm thực hành năng suất chất lượng, để tự triển khai Chương trình này trong tương lai. Đừng để sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương tan theo mây khói, sau khi các chuyên gia năng suất chất lượng ra đi. Các cơ hội hỗ trợ DN chỉ đến một, hai lần, nếu không tranh thủ DN sẽ không còn cơ hội để phát triển năng suất, chất lượng sản phẩm nữa. Thị trường chỉ giữ lại các DN nào có năng suất chất lượng cao. Công ty Honda, Toyota, Nissan. Panasonic, Sony và các công ty mới nổi như Samsung, Huyndai, Kia, Posco…là những ví dụ điển hình về việc cạnh tranh hiệu quả thông qua phát triển năng suất chất lượng của sản phẩm và hàng hóa.

Thực hiện: Thanh Hải_http://www.quatest3.com.vn

Tin mới