Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đã và đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, mang lại cho các doanh nghiệp những cơ hội để có thể tạo ra lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với các đối thủ.
Theo những số liệu được công bố, trong năm 2017, số vốn mạo hiểm mà các doanh nghiệp trên toàn cầu đầu tư vào trí tuệ nhân tạo đạt tới 12 tỷ USD, con số này gấp 2 lần so với số vốn đầu tư năm 2016. Qua số liệu này có thể thấy các công ty đang ngày càng chú trọng hơn vào việc nghiên cứu và áp dụng AI trong nhiều lĩnh vực. Với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu và đưa ra các dự đoán, các kịch bản, có thể nói AI giúp chắt lọc ra giá trị từ dữ liệu. Dưới đây là những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực công nghiệp
Bán lẻ
Với các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới, dữ liệu tiêu dùng của khách hàng là một tập hợp vô cùng quý giá nếu biết khai thác và trích xuất dữ liệu đúng cách. Để thực hiện được những hoạt động này, nhiều nhà bán lẻ trên thế giới, tiêu biểu như Amazon đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và đưa ra các kịch bản tiêu dùng, từ đó đưa ra các phương án đặt hàng tối ưu cho từng mùa mua sắm. Hơn nữa việc sử dụng AI còn giúp phân tích, phân loại các yêu cầu của khách hàng và đưa ra các gợi ý mua sắm phù hợp nhất.
Ngoài việc phân tích dữ liệu, trong lĩnh vực bán lẻ trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng để vận hành các hệ thống kho hàng, tính toán để giảm thiểu khoảng thời gian vận chuyển và giao hàng tới người tiêu dùng, kết nối các hệ thống trong chuỗi bán lẻ.
Hàng không vũ trụ
Trong lĩnh vực hàng không, trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho các hệ thống tự động theo thời gian thực để theo dõi trạng thái hoạt động của động cơ, của máy bay, lộ trình vận hành và các thông tin thời tiết. Dựa trên các dữ liệu thu thập được, AI sẽ phân tích, so sánh với các dữ liệu có sẵn và đưa ra các cảnh báo an toàn để phi công và các nhân viên hàng không có thể đưa ra các quyết định chính xác hơn. Hoạt động này giúp giảm thiểu công việc cho các nhân viên giám sát.
Chế tạo
Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để truy vấn các luồng dữ liệu từ máy móc nhằm để kiểm tra lịch sử và hiệu suất. Bằng cách này, thuật toán có thể dự đoán khả năng máy bị hỏng và khi nào có thể xảy ra. Bằng cách nhận ra các mẫu như vậy, AI có thể cung cấp thông tin cũng như dự đoán, nhờ đó nhà sản xuất có thể thực hiện bảo trì và sửa chữa máy móc trước khi hỏng hóc xảy ra. Đồng thời AI cũng giúp phân tích nguyên nhân cụ thể cho từng lỗi và tự động học tập để đưa ra các giải pháp phòng ngừa.
Có thể nói, trí tuệ nhân tạo là lời giải cho nhiều bài toán trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên không phải tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng AI, chính vì vậy các doanh nghiệp cần xác định rõ ràng mục đích áp dụng cũng như cơ hội và thách thức mà AI đem lại.
Văn phòng NSCL tổng hợp