Trên 80% các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứng chỉ ISO hoặc HACCP

Ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam có sự lớn mạnh với nhiều tập đoàn lớn và sự cạnh tranh rất cao trên thị trường. TACN đã được nâng cao về chất lượng, đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn cho vật nuôi. Trên 80% các nhà máy thức ăn chăn nuôi đã có chứng chỉ ISO hoặc HACCP, trong đó khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – FDI – đạt 100%.

Số lượng nhà máy

Tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 265 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2018 là 12,8 %/năm, trong đó, tỷ trọng số lượng nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài chiếm 32,1%, doanh nghiệp nội địa chiếm 67,9%. Trong giai đoạn 2008 – 2018, số lượng nhà máy TĂCN của doanh nghiệp trong nước khá ổn định giai đoạn 2008-2012, giảm xuống trong giai đoạn 2013-2016, tăng lên đạt 180 nhà máy năm 2018. Trong khi đó, số lượng nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài từ 54 nhà máy năm 2008 tăng lên 85 nhà máy năm 2018;

Trên 80% các nhà máy thức ăn chăn nuôi đã có chứng chỉ ISO hoặc HACCP, trong đó khu vực FDI đạt 100%.

Đơn cử, công ty Masan nhận chứng chỉ ISO 9001, ISO 22000 và HACCP cho 12 nhà máy thức ăn chăn nuôi. Ngày 22/1/2018, Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (“MNS”), doanh nghiệp hiện đang sở hữu các nhãn hiệu thức ăn chăn nuôi Bio-zeem, Con Cò và ANCO đã nhận được các chứng chỉ ISO 9001, ISO 22000 và HACCP về hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm cho toàn bộ chuỗi 12 nhà máy trực thuộc Công ty do tổ chức Bureau Veritas Việt Nam (“BV”) chứng nhận.

Còn nhà máy GreenFeed Vĩnh Long, đi vào hoạt động từ tháng 3/2018,  đã đạt được chứng chỉ HACCP và ISO 22000:2005 sau 3 tháng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tư vào công nghệ hiện đại

Phần lớn các dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi được đầu tư đều thuộc thế hệ mới và xuất xứ từ các nước phát triển của Châu Âu, Hoa Kỳ… (nguyên nhân vì Công nghệ và thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi không ngừng được cải tiến và hiện đại hoá. Do thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam phát triển muộn và tăng trưởng nhanh, đầu tư hiệu quả). Theo ALAS, tổng các tiêu chí đánh giá về công nghệ của ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi Việt Nam đạt mức khá cao với 876/1000 điểm.

Tăng trưởng sản lượng về thức ăn chăn nuôi khá cao, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 10 thế giới và số 01 trong ASEAN về sản lượng TĂCN công nghiệp (Thái Lan đứng thứ 2 là 18,6 triệu tấn, Indonesia đứng thứ 3 là 18,3 triệu tấn).

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới