TPM là một phương pháp cải tiến trong nhà máy cho phép cải tiến liên tục và nhanh chóng với sự tham gia của người lao động, trao quyền cho nhân viên và đo đạc kết quả. TPM không phải chỉ thuộc trách nhiệm của bộ phận bảo trì mà là tất cả mọi bộ phận trong công ty. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về vai trò và trách nhiệm của một số bên liên quan trong thực hiện TPM.
Người vận hành máy – Hỗ trợ thực hiện quá trình bảo trì tự quản (AM)
Trong phương pháp TPM, vai trò của người vận hành là ngăn chặn hay kiểm soát sự xuống cấp của máy móc. Điều này được thực hiện bằng cách yêu cầu người vận hành chịu trách nhiệm bảo trì hàng ngày các thiết bị sản xuất, do đó loại bỏ tư tưởng “tôi vận hành máy/anh sửa máy” của người vận hành. Các hoạt động được thực hiện bao gồm: làm sạch, kiểm tra, bôi trơn và thiết lập các tiêu chuẩn tạm thời cho mỗi máy.
Khi các bước ban đầu của Bảo trì tự quản trở thành thói quen, các buổi đào tạo và phát triển kỹ năng giữa người vận hành và người bảo trì được tổ chức để đào tạo người vận hành về các hệ thống phụ của máy để họ có thể đảm nhận việc bảo trì hàng ngày các hệ thống này. Theo thời gian, các hoạt động này trở thành một phần công việc hàng ngày của người vận hành.
Người bảo trì – Thực hiện cải tiến hoạt động bảo trì
Với các thói quen bảo trì tự quản cơ bản được thiết lập và thực hiện bởi người vận hành, các nhân viên bảo trì tập trung vào bảo trì theo kế hoạch, bảo trì phòng ngừa, bảo trì dự đoán và quản lý linh kiện vật tư. Họ dành thời gian xây dựng và nâng cao việc làm chủ quy trình sản xuất và, như đã nói ở trên, họ đào tạo người vận hành về các hoạt động bảo trì hàng ngày cho tất cả các hệ thống của máy, đây là bước tiếp theo trong quy trình AM. Khi bảo trì năng suất toàn diện (TPM) tiếp tục được hoàn thiện, họ sẽ làm việc với nhân viên QC và kỹ thuật để ngăn ngừa tạo ra sai lỗi và thiết kế các dự án bảo trì cũng như các sáng kiến mua/cài đặt thiết bị mới.
AM chuyển đổi các nhiệm vụ bảo trì như thế nào?
Đồng thời với các hoạt động cải tiến bảo trì và bảo trì tự quản, người vận hành và người bảo trì cũng hợp tác để hiểu và khắc phục các vấn đề/tổn thất kinh niên (thông qua cải tiến trọng điểm) và sau đó áp dụng các bài học kinh nghiệm vào thiết kế và xây dựng thiết bị mới cũng như thiết kế lại và xây dựng lại thiết bị hiện có (thông qua thiết kế ngăn ngừa bảo trì và quản lý thiết bị sớm).
Nhân viên QC—Thực hiện trụ cột bảo trì chất lượng (QM)
Với 4 trụ cột TPM đầu tiên (Bảo trì tự quản, cải tiến bảo trì, cải tiến trọng điểm và xây dựng kỹ năng & đào tạo) đã được thực hiện và duy trì, hoạt động TPM bắt đầu tập trung vào Bảo trì chất lượng và cố gắng để không có sai lỗi. Giống như vấn đề an toàn, vấn đề chất lượng là trách nhiệm của tất cả mọi người. Trong phương pháp TPM, người ta hiểu rằng chìa khóa để dẫn tới không có sai lỗi nằm gần nhất tại nơi sản phẩm được tạo ra.
Tại đó, nhân viên quản lý chất lượng, nhân viên kỹ thuật, người bảo trì và người vận hành cùng làm việc để phân tích các sai lỗi và đề ra các bước để ngăn ngừa sai lỗi xuất hiện. Hiệu chỉnh máy móc được thực hiện để đảm bảo thiết bị có thể phát hiện và ngăn ngừa sai lỗi. Trụ cột bảo trì chất lượng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Đây là một kỹ năng được dạy trong Trụ cột Phát triển Kỹ năng và Đào tạo.
Nhân viên kỹ thuật – Thực hiện quản lý sớm thiết bị, thiết kế ngăn ngừa bảo trì và hỗ trợ bảo trì tự quản và các hoạt động cải tiến bảo trì.
Trong suốt chương trình TPM, kỹ thuật đóng vai trò chính. Bên cạnh làm việc với người vận hành để thực hiện điều chỉnh máy móc để dễ dàng làm sạch và kiểm tra đến làm việc với bộ phận QC và bảo trì về hiệu chỉnh máy móc để loại bỏ sai lỗi chất lượng, thì vai trò của kỹ thuật còn là đảm bảo xây dựng các tiêu chuẩn máy móc để hỗ trợ việc thực hiện.
Sử dụng kinh nghiệm thu thập được từ các hoạt động này, kỹ thuật cũng làm việc với các bên liên quan khác để đảm bảo thiết bị mới đưa vào sản xuất trong tình trạng sẵn sàng cho TPM, từ đó đảm bảo đạt được hiệu suất tối ưu sớm hơn bình thường và có sản phẩm chất lượng từ ngày đầu sản xuất.
Quan trọng phải lưu ý rằng trong chương tình TPM, không phải chỉ riêng bộ phận kỹ thuật giải quyết vấn đề hoặc thực hiện cải tiến mà là họ là đối tác (trao đổi/lắng nghe) người vận hành và người bảo trì về những điều cần cải tiến để duy trì thiết bị và đưa các ý tưởng đó vào thực tế. Để làm được điều này, kỹ thuật phải bố trí khoảng 50% thời gian làm việc tại hiện trường.
Người lãnh đạo – Hỗ trợ các hoạt động TPM
Người lãnh đạo ở bất kỳ cấp độ nào của tổ chức – từ người giám sát dây chuyền đến quản lý nhà máy có trách nhiệm là hỗ trợ, dẫn dắt và thu hút tất cả các bên liên quan trong hoạt động TPM. Để làm được điều này, một loạt các buổi huấn luyện lồng nhau được tạo ra sẽ đảm bảo các hoạt động gắn liền với các mục tiêu của tổ chức, liên tục tiến về phía trước một cách bền vững. Dưới đây là tóm tắt về vai trò liên quan đến TPM của các vị trí lãnh đạo khác nhau trong công ty:
Văn phòng NSCL biên dịch