Đến nay, TP.HCM đã cấp 183 giấy chứng nhận cho 94 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tham gia vào chuỗi thực phẩm sạch của thành phố.
Ban quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM vừa báo cáo tổng kết hoạt động của đề án phát triển chuỗi thực phẩm an toàn thực hiện thí điểm tại thành phố giai đoạn 2010-2015.
Theo bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng quản lý chất lượng thực phẩm, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, trong thời gian thực hiện dự án đơn vị đã tiến hành quản lý thực phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu hoạch, lưu thông, chế biến…
“Với các khâu trong chuỗi sản xuất, chúng tôi đã tiến hành phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương thực hiện kiểm tra giám sát. Đơn vị sản xuất, chế biến đạt đủ các điều kiện tiêu chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận và được phép thực hiện hoạt động phân phối vào thị trường TP.HCM” – bà Trúc chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ban quản lý đề án đã tiến hành tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm cho các cơ sở tham gia chuỗi. Các cơ sở đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng nhận tem, nhãn, logo an toàn.
Các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch còn được Ban quản lý đề án hỗ trợ giới thiệu đến các hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.HCM để tiêu thụ thực phẩm sạch. Các nhà sản xuất còn được hỗ trợ tham gia các hội chợ, sự kiện kết nối đầu tư trong lĩnh vực thực phẩm sạch tại TP.HCM.
Đến nay, Ban quản lý đề án đã cấp 183 giấy chứng nhận cho 94 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tham gia vào chuỗi thực phẩm sạch của TP.HCM. Ngoài các doanh nghiệp của TP.HCM còn có sự tham gia của các cơ sở cung cấp đến từ Đồng Nai, Bình Duơng, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận, Sóc Trăng…
Theo tính toán, tổng sản lượng rau, củ, quả cung cấp cho TP.HCM ước tính hơn 100 nghìn tấn/năm, trứng gà xấp xỉ 500 triệu quả/ năm, nước mắm 0,8 triệu lít/ năm.
TP.HCM đã phối hợp với các cơ sở trong và ngoài thành phố giám sát trên 70% nguồn gốc sản phẩm từ các tỉnh đưa về tiêu thụ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, việc quản lý thực phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng vì thành phố hiện chỉ có thể sản xuất được 20% lượng thực phẩm, 80% còn lại là phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Vì thế, đơn vị luôn ý thức vấn đề không phải thực phẩm nhập vào thành phố rồi mới loay hoay kiểm tra mà phải giám sát ngay tại nơi sản xuất.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tiếp tục các hoạt động cố vấn, tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng, xúc tiến thương mại để nông dân có đầu ra. Đồng thời, hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Như vậy, nông nghiệp các tỉnh thành, tham gia và chuỗi thực phẩm sạch sẽ có mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững” – bà Lan chia sẻ.
Nguồn: khampha.vn