Tổng công ty Phong Phú: Giữ vững thị trường nội địa, gia tăng xuất khẩu

Việc Mỹ từ bỏ TPP đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn đó, Tổng công ty Phong Phú đã điều chỉnh chiến lược phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh, nội lực doanh nghiệp và nhu cầu thị trường. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với Tổng giám đốc Phạm Xuân Trình về chiến lược phát triển mới của Phong Phú. Thưa ông, để giữ vững tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, nhất là việc TPP không thành, Phong Phú đã có hướng phát triển như thế nào? Để đạt mục tiêu 3.500 tỷ doanh thu năm 2017 trong đó xuất khẩu 68 triệu USD (kế hoạch là 58 triệu USD), và chuẩn bị cho các năm tới, Phong Phú đã và đang đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chú trọng mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể về đầu tư trong năm 2017, Phong Phú tiếp tục đầu tư và đưa nhà máy denim tại Nha Trang đi vào hoạt động từ tháng 6/2017. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 698 tỷ đồng với hệ thống sản xuất khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may, ứng dụng công nghệ sản xuất xanh và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Với công suất 23 triệu mét vải/năm, nhà máy mới đáp ứng cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh nhà máy may xuất khẩu Nha Trang với 12 chuyền may cung cấp cho thị trường 1,8 – 2 triệu sản phẩm/năm, Phong Phú đang tiếp tục đầu tư nhà máy wash để 2018 có thể hoàn thành chuỗi sản phẩm denim cao cấp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra Phong Phú còn đầu tư mở rộng và thay thế toàn bộ dây chuyền sản xuất khăn bông cao cấp tại Q.9 (TP. Hồ Chí Minh) và Ninh Thuận theo tiêu chuẩn hiện đại của Mỹ, Nhật và châu Âu…cùng nhiều dự án đầu tư khác. Về mặt thị trường, do năm nay thị trường dệt may nội địa sức mua giảm mạnh (cả khăn, sợi và vải…) nên chủ trương của Phong Phú sẽ đầu tư mạnh cho các sản phẩm chất lượng cao và có sự khác biệt để giữ vững thị trường trong nước. Đồng thời tận dụng ưu đãi của hiệp định VKFTA tăng xuất khẩu vải dệt kim vào Hàn Quốc và nâng cao chất lượng khăn, tăng kim ngạch xuât khẩu vào thị trường Nhật…. Ông có thể cho biết những sản phẩm có sự khác biệt để gia tăng cạnh tranh nhằm giữ thị trường nội địa của Phong Phú? Ví dụ như dòng sản phẩm khăn bông cao cấp mang thương hiệu Mollis đang dẫn đầu thị trường cả về chất lượng vượt trội, mẫu mã đa dạng và được phân phối trực tiếp tới hơn 600 đại lý, hệ thống siêu thị lớn trải dài trên toàn quốc như Coop Mart, Big C, Emart, Metro, Aeon…Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục không ngừng nghiên cứu và đưa ra sản phẩm khăn Mollis Organic để phục vụ cho người tiêu dùng. Đây là dòng sản phẩm 100% từ thiên nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe. Tất cả nguyên liệu sử dụng để làm nên sản phẩm này đều hoàn toàn hữu cơ và sạch. Hay một sản phẩm cao cấp và có sự khác biệt mà sắp tới chúng tôi sẽ đưa ra thị trường là sản phẩm denim nhưng sử dụng công nghệ wash rất thời trang… Vậy làm thế nào để Phong Phú gia tăng thị trường xuất khẩu, đạt mục tiêu vượt 10 triệu USD so với kế hoạch ban đầu? Trước hết để tăng khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm, chúng tôi phải hoàn thiện tất cả các hệ thống, đồng bộ và tiêu chuẩn hóa tất cả quá trình sản xuất, quản lý và tích hợp hệ thống dữ liệu sản xuất, kho bãi, số liệu, bán hàng, tài chính…bằng phần mềm tự động và điều khiển bằng thiết bị máy chủ thông minh. Về thị trường xuất khẩu, chúng tôi nghiên cứu kỹ và xác định những thị trường mục tiêu chứ không xuất khẩu dàn trải ra các thị trường, và phát triển những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Đơn cử như thị trường Nhật, khách hàng truyền thống của Phong Phú, năm nay sẽ tăng lượng khăn sợi xơ dài và dòng khăn mùi xoa chất lượng cao đang rất được thị trường này ưa chuộng. Dự kiến 2017 Phong Phú sẽ xuất đi thị trường Nhật khoảng 24 triệu USD các sản phẩm khăn cao cấp , tăng hơn 4 triệu USD so với 2016. Mặt khác, Phong Phú cũng chủ trương tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu vào các quốc gia ký kết Hiệp định thương mại với Việt Nam như Hàn Quốc là một ví dụ. Dự kiến 2017 Phong Phú sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vải denim vào thị trường này. Do tận dụng lợi thế của hiệp định VKFTA  được miễn thuế, nên khách hàng Hàn Quốc đã thích chất lượng vải của Việt Nam sẽ chuyển sang nhập của Việt Nam nhiều hơn thay vì nhập từ Trung Quốc như trước đây. Xin cảm ơn ông!
Với lợi thế về chuỗi cung ứng khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may, Phong Phú có năng lực đáp ứng cho thị trường 32.000 tấn sợi/năm, vải denim (dẹt thoi và dệt kim) 30 triệu m/năm, vải dệt kim 5.800 tấn /năm, khăn bông và sản phẩm gia dụng đạt năng suất 7.000 tấn.năm cùng 8, 4 triệu sản phẩm các loại. Mục tiêu của Phong Phú trong 2 năm tới sản phẩm vải denim của công ty sẽ tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu và được các tập đoàn lớn trên thế giới lựa chọn.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới