Tốc độ tăng TFP: Phương hướng phát triển cho doanh nghiệp

Nhân dịp PGS-TS Tăng Văn Khiên, chuyên gia về thống kê của OCD, tham gia buổi Giao lưu trực tuyến về vai trò của Năng suất các yếu tổ tổng hợp TFP đối với sự phát triển KT-XH do Tạp chí Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) tổ chức, Ban Truyền thông của Công ty Tư vấn OCD đã có buổi phỏng vấn nhanh với ông Khiên về Năng suất các nhân tố tổng hợp TFP và ý nghĩa của tốc độ tăng TFP đối với doanh nghiệp.

Tốc độ tăng TFP là gì

Tốc độ tăng TFP được hiểu là tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất (tính bằng GDP đối với toàn nền kinh tế quốc dân hoặc bằng giá trị tăng thêm đối với từng ngành hoặc doanh nghiệp) do nâng cao năng suất tổng hợp chung của vốn và lao động. Theo nội dung tính toán, tốc độ tăng TFP là tỷ lệ còn lại của tốc độ tăng kết quả sản xuất (còn gọi là tốc độ tăng trưởng) sau khi trừ đi tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất do tăng vốn và tăng lao động. Như vậy, tốc độ tăng TFP có thể đạt giá trị lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn không. Mục tiêu của sản xuất là phấn đấu để có tốc độ tăng TFP đạt giá trị dương, hay tốc độ tăng kết quả sản xuất lớn hơn mức bình quân chung của tốc độ tăng vốn và tăng lao động.

Thời gian qua, ở Việt Nam, tốc độ tăng TFP chủ yếu mới được tính toán ở tầm quản lý kinh tế vĩ mô. Xét về bản chất, tốc độ tăng TFP rất có ý nghĩa và có thể sử dụng cho các doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng chỉ tiêu năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động để đánh giá hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng chỉ tiêu hiệu quả sử dụng vốn sản xuất, nhưng luôn đánh giá các chỉ tiêu một cách riêng biệt. Việc sử dụng năng suất lao động cũng như hiệu quả sử dụng vốn sản xuất và các tốc độ tăng của chúng một cách riêng biệt để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh là rất cần thiết và không thể thiếu được. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì chưa toàn diện và khái quát. Ví dụ, một doanh nghiệp nào đó đầu tư thêm vốn trong đó có trang thiết bị để phát triển sản xuất. Khi đó, năng suất lao động thường sẽ tăng lên nhưng hiệu quả sử dụng vốn (còn gọi là năng suất vốn) có thể không tăng hoặc thậm chí là giảm đi. Một khi năng suất lao động tăng lên còn năng suất vốn giảm đi thì chưa thể đánh giá được hiệu quả sản xuất chung của doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ tính toán chỉ tiêu tốc độ tăng TFP.

Tốc độ tăng TFP có vai trò quan trọng trong đánh giá hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp

Ông Khiên cho biết, “tăng TFP mới là cơ sở quan trọng để tăng lợi nhuận, làm căn cứ tích luỹ mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao đời sống; chỉ có tăng TFP mới tạo ra sự tăng trưởng theo chiều sâu của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh”. Tốc độ tăng TFP đánh giá đích thực hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng tăng trưởng và đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Cũng như ở tầm vĩ mô, trong các doanh nghiệp, khả năng tính toán chỉ tiêu tốc độ tăng TFP là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp phải hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của chỉ tiêu tốc tộ tăng TFP. Từ đó, doanh nghiệp có hướng củng cố công tác hạch toán và hoàn thiện phương pháp đo lường các chỉ tiêu thống kê, phục vụ cho tính toán tốc độ tăng TFP. Thực tế, nguồn số liệu để tính toán tốc độ tăng TFP ở doanh nghiệp còn thuận tiện và đầy đủ hơn số liệu để tính tốc độ tăng TFP ở tầm vĩ mô. Để có thể đưa vào áp dụng chỉ tiêu tốc độ tăng TFP, trước hết, doanh nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về nội dung và ý nghĩa của tốc độ tăng TFP cũng như sự cần thiết của việc áp dụng chỉ tiêu này. Đồng thời, doanh nghiệp từng bước mở các lớp học bồi dưỡng về phương pháp tính tốc độ tăng TFP và cách xử lý thông tin cho chỉ tiêu này.

s

PGS-TS Tăng Văn Khiên là tác giả của cuốn sách “Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng – phương pháp tính và ứng dụng” xuất bản năm 2005

PGS-TS Tăng Văn Khiên là chuyên gia thống kê của OCD, nguyên Viện trưởng Viện khoa học thống kê Việt Nam với hơn 45 năm kinh nghiệm về công tác thống kê, trong đó nhiều năm tham gia nghiên cứu và tính toán chỉ tiêu tốc độ tăng TFP ở Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách “Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng – phương pháp tính và ứng dụng” xuất bản năm 2005. Ông có nhiều bài viết về Tốc độ tăng Năng suất tổng hợp TFP cho các tạp chí như Tạp chí Hoạt động Khoa học, Tạp chí Quản lý Kinh tế, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Tạp chí Kinh tế phát triển, Tạp chí Con số và sự kiện và Tờ Thông tin Khoa học Thống kê.

Đảm bảo đào tạo và sử dụng nhân lực để nâng cao tốc độ tăng TFP

Ông Khiên nhấn mạnh để tăng tốc độ TFP cũng như nâng cao tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế, ngoài những giải pháp như tăng vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hợp lý vốn đầu tư, v.v… thì còn phải chú ý đến công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đào tạo nhân lực ở đây phải đảm bảo cân đối giữa đào tạo nhân lực có trình độ cao (từ Đại học trở lên) và đào tạo công nhân kĩ thuật. Đối với các doanh nghiệp thì đào tạo công nhân lành nghề lại càng quan trọng vì họ là lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho doanh nghiệp. Mặt khác, trong đào tạo phải đặc biệt coi trọng chất lượng đào tạo, tránh xu thế chạy theo số lượng. Có được số lượng lao động có chất lượng đã vậy, sử dụng và quản lý lực lượng đó cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy, muốn có năng suất cao còn phải chú ý bố trí sử dụng lao động phù hợp với ngành nghề được đào tạo và vị trí việc làm. Công việc đòi hỏi ở trình độ nào thì bố trí nhân lực có trình độ đó.

VietQ.vn

Tin mới