Trong những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, giá than ngày một sụt giảm, yêu cầu chất lượng than xuất khẩu càng ngày càng cao, đồng thời, điều kiện khai thác ngày một khó khăn hơn trước. Để góp phần nâng cao năng suất chất lượng khai thác, tiết giảm chi phí tối ưu, Tập đoàn đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp để cùng ngành than vượt qua khó khăn.
Nỗ lực giảm tổn thất than
Để hiện thực hóa mục tiêu giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác về dưới 5% trong khai thác lộ thiên và dưới 24% trong khai thác than hầm lò, các đơn vị trong Tập đoàn đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, đưa ra phương án đổi mới công nghệ khai thác vỉa mỏng, dốc thoải theo từng công nghệ phù hợp như: giàn chống ZH, ZHT, HAIANSA, thu hồi than nóc v.v. Các giàn chống này đưa vào lò chợ cho phép tận thu triệt để lượng than tại các vỉa có góc dốc lớn, hoặc vỉa mỏng.
Ngoài ra, tuyển than tốt cũng giúp có thể khai thác các vỉa than xấu, giúp giảm tổn thất trong khai thác. Trước đây, nhiều mỏ khai thác có loại đất đá lẫn than nhưng chưa lấy được, chủ yếu đổ đi hoặc đánh đống chờ ứng dụng công nghệ để lấy than, thì hiện nay đã thực hiện được nhờ áp dụng công nghệ tuyển nước. Các loại đất đá lẫn than sau khi tuyển nước chủ yếu thu được than cám 6A, 6B, các loại than cục tuyển ra than gion xuất khẩu có giá thành cao. Bên cạnh đó, công nghệ tuyển khí cũng đã được áp dụng cho phép thu hồi được nhiều than từ những loại than chất lượng thấp. Đây là những công nghệ hữu hiệu giúp khai thác cả những loại than xấu, giảm tổn thất trong khai thác được rất nhiều đơn vị trong Tập đoàn áp dụng như Công ty than Hà Tu, Cao Sơn, Cọc Sáu, Công ty Chế biến Kinh doanh than Quảng Ninh, Công ty than Uông Bí…
Đổi mới hoạt động vận tải
Dù với hoạt động khai thác lộ thiên hay khai thác trong hầm lò, càng xuống sâu công tác vận tải than, đất đá, máy móc thiết bị càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt hơn nữa, làm thế nào để công tác vận tải người lao động đến vị trí làm việc sao cho người công nhân không bị mất sức lao động cũng là một bài toán khó. Trước thách thức như vậy, Tập đoàn đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác vận tải người và thiết bị, than, đất đá nhằm nâng cao năng suất lao động.
Đối với khai thác lộ thiên, nhiều ô tô và máy xúc có công suất lớn đã được Tập đoàn đầu tư, trong đó có những xe ô tô với tải trọng lên tới gần một trăm tấn. Không chỉ vậy, Tập đoàn còn đầu tư tuyến băng tải đá tại mỏ than Cao Sơn với công suất trên 20 triệu m3 đất đá một năm.
Đối với khai thác hầm lò, tính đến đầu năm 2016 đã có 134 hệ thống vận tải người được đưa vào sử dụng như: 3 hệ thống thùng cũi ở giếng đứng; 16 hệ thống trục tải một đầu mút kết hợp toa xe chở người ở giếng nghiêng; 3 hệ thống tời cáp vô tận; 11 hệ thống monoray có đầu kéo chạy diezel và điện; 7 hệ thống cáp treo vô tận chở người và 54 hệ thống tời hỗ trợ người đi bộ v.v…
Đối với công tác vận tải than, đất đá, vật tư, thiết bị… các đơn vị chủ yếu áp dụng hệ thống vận tải liên tục như: vận tải than bằng hệ thống máng cào, băng tải từ trong lò ra ngoài; vận tải đất đá bằng máy xúc lên goòng, kéo bằng tàu điện ắc quy và trục kéo; vận tải vật tư thiết bị bằng tời trục kết hợp với goòng và tích chuyên dùng…
Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất
Có thể nói rằng, từ nhiều năm nay, nhiều phong trào thi đua trong Tập đoàn được tổ chức rất nề nếp, hiệu quả như Phong trào thi đua giành năng suất kỷ lục dẫn đầu ngành Than – Khoáng sản; phong trào đảm nhận các công trình trọng điểm cấp Tập đoàn; phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật … Những phong trào này đã góp phần tạo động lực cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Tập đoàn phấn đấu lao động sản xuất, phát huy hiệu quả.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)