Tiêu chuẩn chất lượng: “Chìa khóa” mở cửa thị trường

Đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa và quốc tế là “bệ đỡ” quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh; hội nhập sâu rộng với quốc tế. Tuy nhiên, nhiều DN Việt vẫn chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, hoặc nhận thức về vấn đề này chưa đầy đủ.    

“Chìa khóa” mở cửa thị trường

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêu chuẩn quốc gia – chuẩn mực quan trọng nâng tầm chất lượng hàng Việt” diễn ra mới đây, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao – cho rằng, tiêu chuẩn chất lượng là “chìa khóa” mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, nhưng cũng là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế hiện có 6 nhóm: Quy định và tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm; an toàn cho người sử dụng; môi trường; trách nhiệm xã hội; ghi nhãn sản phẩm; nguồn gốc xuất xứ.

Hội nhập càng sâu rộng thì rào cản kỹ thuật càng phức tạp và khó vượt. “Hơn 25 năm làm công tác hỗ trợ DN, tôi nhận thấy, tiêu chuẩn về kỹ thuật và tiêu chuẩn từ thị trường là thứ tiêu chuẩn liên quan tâm lý, hành vi, nhu cầu, kỳ vọng của người tiêu dùng. Đó là điều kiện cần và đủ. Để hội nhập, sản phẩm Việt Nam nhất thiết cần phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật” – bà Vũ Kim Hạnh nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam – cho biết, từ những năm đầu của thập kỷ 60, khi Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đầu tiên được ban hành (năm 1962), đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam không ngừng phát triển và ngày càng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, với trên 11.500 TCVN, hơn 780 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường; góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. “Việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp DN của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu, đồng thời khẳng định được trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế”- ông Trần Văn Học nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, thực tế là nhiều DN chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, hoặc hiểu về tiêu chuẩn chưa tới. Do đó, cần nâng cao vai trò quyết định của Nhà nước trong dẫn dắt, xây dựng tiêu chuẩn, truyền thông, triển khai trong DN và nông dân; giám sát, theo dõi nắm chắc thông tin thị trường.

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao thời gian vừa qua đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao đạt chuẩn hội nhập. Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở hợp tác với các cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng trong và ngoài nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Amcham, Eurocham… Trước mắt, bộ tiêu chí áp dụng cho DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn và DN xuất khẩu.

Ông Trần Văn Học cho rằng, tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần rất quan trọng, cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của DN dù lớn hay nhỏ. Điều này đã được minh chứng qua nhiều ví dụ thành công của DN trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa hiện nay của không ít DN còn hạn chế. Vì vậy, điều đầu tiên cần phải nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của DN nói riêng cho tất cả cán bộ nhân viên đặc biệt là người đứng đầu.

Theo các chuyên gia, khi đã có nhận thức và kiến thức cần thiết, DN cần hoạch định phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa với sự tham gia của tất cả bộ phận của DN. Đồng thời, để có thể phát triển bền vững và dài hạn nên hướng tới có một chiến lược tiêu chuẩn hóa cho công ty.

Nguồn: congthuong.vn

Tin mới