Tiền Giang: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tỉnh triển khai sâu rộng và hiệu quả Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.

Chương trình gồm các nội dung thiết thực: Hỗ trợ đầu tư, sau đầu tư và kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp; Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại mà đối tượng được hưởng lợi là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Qua 8 năm triển khai, tỉnh đã thực hiện 154 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ các nội dung gần 14 tỉ đồng. Trung bình mỗi năm, tỉnh triển khai gần 20 đề tài, dự án, với kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỉ đồng.

Trên lĩnh vực hỗ trợ đầu tư, sau đầu tư và kiểm toán năng lượng, thời gian qua, Chương trình đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 6 doanh nghiệp với 6 dự án; hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư 92 dự án của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối tượng nhận hỗ trợ đa số là các cơ sở công nghiệp nông thôn, kể cả cơ sở công nghiệp trong làng nghề như: Nghề bó chổi ở Vĩnh Hựu (Gò Công Tây) và Hòa Định (Chợ Gạo), chế biến hủ tiếu ở Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho), đóng tủ thờ ở xã Tân Trung (thị xã Gò Công),… Nguồn vốn hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất,…Qua khảo sát, các cơ sở nhận hỗ trợ đầu tư có số vốn, sản lượng sản xuất và doanh thu đều tăng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai 25 mô hình trình diễn kỹ thuật, trong đó có 7 mô hình công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, 22 mô hình trên lĩnh vực công nghiệp thực phẩm với tổng kinh phí 3,5 tỉ đồng. Nổi bật có mô hình trình diễn kỹ thuật máy gặt đập liên hợp ở Doanh nghiệp Tư Sang (Cái Bè), mô hình xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Tân Hương (Châu Thành), mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bún khô xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (thành phố Mỹ Tho)…đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình, tỉnh đã hỗ trợ trên 2,72 tỉ đồng cho các doanh nghiệp mua sắm máy móc thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nhằm nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất lao động. Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi như: Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Thuận (Châu Thành), HTX thương mại dịch vụ Long Định (Châu Thành),…

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Hoan Vinh (Châu Thành) cho biết, doanh nghiệp được hỗ trợ 90 triệu đồng đầu tư thiết bị may thời trang xuất khẩu, được hỗ trợ đào tạo nghề may cho 400 lao động… Mặc dù đồng vốn có hạn, nhưng đã giúp Công ty hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân. Năng suất lao động tăng, sản phẩm được khách hàng các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Nhật… ưa chuộng. Sau 2 năm, doanh nghiệp đã trả toàn bộ vốn hỗ trợ, sản xuất ổn định, thu nhập người lao động từ mức bình quân 3 – 4 triệu đồng/người/tháng tăng lên 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật và các hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng phát triển về số lượng và nâng lên về chất lượng, thu hút thêm nhiều lao động.

Được biết, số lao động công nghiệp từ mức trên 89.000 người vào năm 2008 đến đầu năm 2016 đã tăng lên trên 120.000 người. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn lao động nông thôn tìm được việc làm thích hợp nhờ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Đặc biệt, nhiều ngành nghề nông thôn truyền thống được khôi phục như: Nghề dệt chiếu truyền thống ở Long Định và Bình Đức (Châu Thành), Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo), nghề đóng tủ thờ ở Gò Công, làm nón bàng buông ở Châu Thành… Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề mới phát triển như: Đan lục bình, bẹ chuối; đan ghế nhựa, dệt chiếu cói xuất khẩu…

Nguồn: tiengiang.gov.vn

Tin mới