Tích hợp ISO 9001 VÀ OHSAS 18001

ISO 9001 là một hệ thống quản lý chất lượng cơ bản có thể được sử dụng trong mọi ngành nghề với mọi quy mô ở bất cư nơi đâu trên thế giới. Đạt được chứng nhận ISO 9001 cung cấp những bằng chứng khách quan chứng minh được rằng một doanh nghiệp đã triển khai hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả và thỏa mãn mọi yêu cầu của tiêu chuẩn đang áp dụng.

OHSAS 18001 là Hệ thống quản lý An toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS được Viện tiêu chuẩn Anh BSI xây dựng và ban hành vào năm 1999. Tiêu chuẩn OHSAS quy định các yêu cầu chi tiết về hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn lao động để hỗ trợ việc theo dõi và kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu suất thực hiện hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn lao động.

Trong thực tế, trong khi tiêu chuẩn ISO 9001 tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh “cốt lõi” của doanh nghiệp và phân tích rủi ro liên quan đến chất lượng, thì tiêu chuẩn OHSAS 18001 lại giải quyết các vấn đề về an toàn, và các hoạt động trong khuôn khổ OHSAS không hoàn toàn liên quan đến sản xuất. Tuy nhiên, có một số điểm chung nổi bật được tìm thấy khi tích hợp hệ thống quản lý ISO 9001 và OHSAS 18001 giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và thậm chí đem lại kết quả tốt hơn.

Bắt đầu tích hợp như thế nào?

Hãy bắt đầu với nền tảng nguyên lý của 2 tiêu chuẩn này. Đó là chu trình Deming PDCA (Lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – điều chỉnh). Đây là chu trình cải tiến liên tục được tiến sĩ Deming giới thiệu với nội dung có thể tóm tắt như sau:

Plan: lập kế hoạch, xác định mục tiêu, phạm vi, nguồn lực để thực hiện, thời gian và phương pháp đạt mục tiêu. Do: Đưa kế hoạch vào thực hiện. Check: Dựa theo kế hoạch để kiểm tra kết quả thực hiện. Act: Thông qua các kết quả thu được để đề ra những tác động điều chỉnh thích hợp nhằm bắt đầu lại chu trình với những thông tin đầu vào mới.

Tại giai đoạn lập kế hoạch là giai đoạn để thiết kế toàn bộ hệ thống và thống nhất tầm nhìn của hệ thống, các câu hỏi sau đây là cơ sở ban đầu để xây dựng hệ thống quản lý tích hợp theo tiêu chuẩn ISO 9001 và OHSAS 18001:

– Kỹ năng cần phải có để quản lý chất lượng và hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp? – Có tài liệu chung cho hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay không? – Các mục tiêu chung về cả chất lượng và sức khỏe & an toàn là gì? – Những nguồn lực cần có để thực hiện ISO 9001 và OHSAS 18001?

Ngoài ra, việc liệt kê một bộ điểm tiếp xúc để bắt đầu tích hợp các quy tắc giữa 2 bộ tiêu chuẩn là hết sức cần thiết. Những yêu cầu chung của ISO 9001 và OHSAS 18001 có thể kể đến như sau:

– Xác định một chính sách bao gồm cả vấn đề chất lượng và an toàn tại doanh nghiệp; Quản lý cấp cao xác định nguyên tắc cơ bản cho từng khía cạnh; – Thiết lập các mục tiêu: Có sự khác nhau về mục tiêu của khía cạnh chất lượng và khía cạnh an toàn, tuy nhiên điểm chung giữa hai khía cạnh là có tư duy và đánh giá quá trình theo dõi là giống nhau; – Sử dụng tài nguyên: Việc cải tiến đều cần thời gian và tiền bạc; – Quá trình quản lý rủi ro: Bắt đầu từ năm 2015, ISO 9001 đã bao gồm yêu cầu này; – Trách nhiệm và quyền hạn: Vai trò quan trọng để quản lý chất lượng và an toàn hiệu quả cần phải được xác định và đôi khi có thể đồng nhất. – Thẩm quyền, đào tạo và nâng cao nhận thức: Để kết hợp khía cạnh chất lượng và an toàn đòi hỏi cán bộ công nhân viên phải có kỹ năng và nhận thức.

Ngoài ra, việc đào tạo và nâng cao nhận thức không chỉ cho những người có liên quan trực tiếp mà còn cho nhiều đối tượng khác.

– Truyền thông: Hệ thống quản lý chất lượng và an toàn yêu cầu phải trao đổi thông tin hiệu quả; – Kiểm soát hệ thống tài liệu: các yêu cầu về quản lý tài liệu là như nhau cho cả hai tiêu chuẩn; – Kiểm soát hồ sơ: các yêu cầu về hồ sơ là như nhau cho cả hai tiêu chuẩn; – Giám sát và đo lường: chỉ tiêu và biện pháp khác nhau cho khía cạnh chất lượng và khía cạnh an toàn, nhưng việc xem xét và theo dõi quá trình là như nhau; – Quản lý không phù hợp: các yêu cầu về quản lý không phù hợp là như nhau cho cả hai tiêu chuẩn; – Hành động khắc phục và phòng ngừa: các yêu cầu đối với các hành động khắc phục và phòng ngừa là như nhau cho cả hai tiêu chuẩn;

– Kiểm toán nội bộ: các yêu cầu về quản lý kiểm toán nội bộ là như nhau cho cả hai tiêu chuẩn; – Xem xét quản lý: các yêu cầu để xem xét quản lý là như nhau cho cả hai tiêu chuẩn;

Qua xem xét những đặc điểm chung giữa hai tiêu chuẩn, rõ ràng có sự tương đồng rất lớn giữa ISO 9001 và OHSAS 18001. Hơn nữa, việc tích hợp có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt thời gian và tiền bạc, giúp hệ thống gọn nhẹ, dễ áp dụng, vận hành và duy trì. Trong tương lai, các doanh nghiệp nên xây dựng một hệ thống tích hợp để đáp ứng đầy đủ các hoạt động của doanh nghiệp.

Tin mới